Lâm Đồng: Vườn trồng chôm chôm, măng cụt giúp nông dân khá giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ủy thác qua tổ chức Hội Nông dân (ND) không chỉ giúp nhiều hộ hội viên, nông dân huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng thoát nghèo, vươn lên khá giàu mà còn góp phần giúp công tác hội và phong trào nông dân thêm sôi nổi, thiết thực.
Dư nợ ủy thác cho vay tăng

Báo cáo tham luận tại hội nghị tổng kết hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng CSXH tổ chức vào tháng 10/2020 vừa qua, ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch Hội ND huyện Đạ Huoai cho biết: Hội ND huyện có hơn 1.900 hội viên sinh hoạt ở 9 cơ sở Hội ND xã, thị trấn. Đa phần hội viên của Hội ND huyện là những nông dân từ các địa phương trong cả nước về Đạ Huoai lập nghiệp. Trong những năm qua, đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ khoa học kỹ thuật sản xuất.

Chị Đỗ Thị Bích Viên ở tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình được đầu tư từ vốn vay ưu đãi. Ảnh: Trần Giáp
Chị Đỗ Thị Bích Viên ở tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình được đầu tư từ vốn vay ưu đãi. Ảnh: Trần Giáp
Nhằm giúp hội viên có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, Hội ND huyện đã tích cực phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo lãnh đạo Hội ND huyện Đạ Huoai, trong 5 năm qua, tổng số dư nợ do Hội nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hội viên, nông dân không ngừng tăng lên. Công tác nhận ủy thác cho vay của các cấp Hội ND trên địa bàn huyện Đạ Huoai ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả.
"Nếu năm 2015 số dư nợ Hội nhận ủy thác là hơn 46,4 tỷ đồng thì đến nay Hội ND huyện đã quản lý dư nợ hơn 71,6 tỷ đồng, tăng hơn 25 tỷ đồng so với năm 2015 (tăng 1,54 lần); chiếm 32,8% tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn toàn huyện. Trong khi đó nợ quá hạn là 57 triệu đồng (giảm 22 triệu đồng so với năm 2015), chiếm tỷ lệ 0,08% tổng dư nợ nhận uỷ thác. Số tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) đạt chất lượng tốt ngày càng tăng" - ông Nam thông tin.
Phát huy thế mạnh địa phương
Trong 5 năm qua,
Hội ND huyện Đạ Huoai đã
Giúp được 87 hộ nghèo thoát nghèo
Xoá 41 nhà tạm
Nâng số hộ khá và giàu lên 784 hộ

Bên cạnh đó, nhằm phát huy lợi thế là huyện có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu với thế mạnh là các loại cây ăn trái như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít…; các cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê, cao su… Hội ND huyện đã chủ động phối hợp Ngân hàng CSXH huyện, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, cán bộ quản lý của Tổ TKVV.

Từ năm 2015-2020, Hội đã tổ chức được 27 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ủy thác, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho 2.127 lượt cán bộ, hội viên, cán bộ Tổ TKVV. Từ đó, trang bị thêm những kiến thức cơ bản về công tác xóa đói giảm nghèo, quản lý vốn vay, các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần giúp hộ vay sử dụng hiệu quả vốn vay.
Theo ông Hoàng Thanh Nam, chương trình ủy thác cho hội viên, nông dân nghèo vay vốn ưu đãi là điều kiện để Hội tập hợp, đoàn kết nông dân, thu hút thêm nông dân tham gia tổ chức Hội; hoạt động phong trào nông dân thêm phong phú và hiệu quả hơn,
Cũng thông qua hoạt động ủy thác vốn vay, Hội có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác của Hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Hội ND huyện Đạ Huoai đã quản lý, hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả kinh tế. Hộ được vay vốn thì cần cù lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư, chăn nuôi mở rộng quy mô đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH, các hộ gia đình trên địa bàn huyện đã đầu tư chăn nuôi 187 con bò, mạnh dạn chuyển đổi được 17ha đất trồng cà phê hoặc cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng các giống sầu riêng mới cho năng suất, thu nhập cao. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình còn mở rộng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình từ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả và làm giàu chính đáng.

Điển hình như gia đình chị Đỗ Thị Bích Viên (ở tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai) vốn thuộc diện hộ cận nghèo. Thông qua "kênh" Hội ND huyện Đạ Huoai, gia đình chị Viên được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, gia đình chị đầu tư trồng 4,5ha cây ăn trái gồm chôm chôm, măng cụt và trồng thêm chè, nguồn thu từ trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, không những thoát nghèo bền vững mà còn có của ăn của để.
Lãnh đạo Hội ND huyện Đạ Huoai khẳng định, thông qua sinh hoạt Tổ TKVV, Hội ND huyện Đạ Huoai và các cơ sở Họi có điều kiện tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên trên địa bàn huyện; giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được tiếp tục theo đuổi ước mơ học hành.
Theo Thu Hà (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.