Lâm Đồng: Hơn 160 cán bộ, nhân viên bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để rừng bị phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có 13 cơ quan, đơn vị và 161 cán bộ, nhân viên bị các cấp thẩm quyền ở Lâm Đồng kỷ luật vì thiếu trách nhiệm để xảy ra hàng ngàn vụ phá rừng trên địa bàn.
Đó là con số mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và bảo vệ rừng của địa phương từ năm 2018 đến nay.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến hết quý I/2022, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm. Trong đó, 147 vụ vi phạm nổi cộm, có tính chất phức tạp nhưng đã được cơ quan chức năng phát hiện điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng đưa đối tượng Nguyễn Doãn Trung đến tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng để thực nghiệm hiện trường một vụ phá hơn 1ha rừng. Ảnh: CTV
Cơ quan chức năng đưa đối tượng Nguyễn Doãn Trung đến tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng để thực nghiệm hiện trường một vụ phá hơn 1ha rừng. Ảnh: CTV
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ vi phạm trên. Theo đó, các cấp thẩm quyền trong tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, 161 cá nhân cũng bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng như: Địa phương có diện tích rừng lớn, không tập trung, địa hình bị chia cắt, hiểm trở, phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng phá rừng với nhiều hình thức tinh vi, phá rừng bằng hình thức ken gốc, đổ hóa chất. Những cây bị phá chỉ sau thời gian dài mới phát hiện được, gây khó khăn cho công tác điều tra truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý.

Các đối tượng phá rừng chủ yếu để lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ảnh: Văn Long
Các đối tượng phá rừng chủ yếu để lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ảnh: Văn Long
"Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng chưa quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý bảo vệ rừng. Việc kiểm tra rừng ở một số địa phương còn hạn chế do chưa đề ra các giải pháp phù hợp, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa phương.
Lực lượng chức năng, đơn vị liên quan ở một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ...Các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng nhưng chưa điều tra rõ để xử lý đối với các chủ đầu nậu, đối tượng cầm đầu, các đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê cho hoạt động vi phạm, phạm tội nên chưa tạo tính răn đe, giáo dục", UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ trong báo cáo.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra hơn 2.800 vụ phá rừng. Ảnh: Văn Long
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra hơn 2.800 vụ phá rừng. Ảnh: Văn Long
Tuy nhiên, cũng trong thời gian trên toàn tỉnh đã trồng được hơn 3.200ha rừng, trồng khôi phục hơn 2.800ha rừng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định quy hoạch lâm nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2021 thực hiện đề án 50 triệu cây xanh thì toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, góp phần nâng cao mật độ rừng, chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, từ đầu năm 2021 đến nay, Dân Việt đã phản ánh nhiều vụ phá rừng trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm. Phần lớn, các vụ phá rừng chủ yếu để chiếm đất lâm nghiệp do các địa phương trên xảy ra tình trạng sốt đất. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng.
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm