Lâm Đồng: Hàng triệu mét vuông đất được phân lô, tách thửa sau… hiến đất làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ năm 2018 đến nay, tại huyện Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), 192 hộ dân đã hiến đất làm đường giao thông, hàng vạn thửa đất tại hai địa phương này được tách mới.
Liên quan đến tình trạng hiến đất làm đường, tách thửa tại TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã nhận được báo cáo của hai đơn vị trên. Hai địa phương này là "điểm nóng" về các dự án bất động sản mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.
Tại huyện Bảo Lâm, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn đã giải quyết hồ sơ cho 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Cụ thể, xã có nhiều hộ, cá nhân trả lại đất làm đường giao thông nhất là Lộc Quảng (24 hộ, cá nhân), kế đến là Lộc An (22 hộ), Lộc Tân (18 hộ), Lộc Ngãi (6 hộ).

Nhiều đường giao thông được xây dựng tại các khu vực đất của người dân tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Văn Long.
Nhiều đường giao thông được xây dựng tại các khu vực đất của người dân tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Văn Long
Theo UBND huyện Bảo Lâm, tổng số diện tích đất mà 77 hộ, cá nhân trả lại để làm đường giao thông là hơn 153ha. Trong đó, đã có 5 hộ hiến trên 5ha; 9 hộ có diện tích đất hiến hơn 3ha...
"Sau khi tách thửa, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Một số trường hợp đã và đang xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng nhà tiền chế. Cụ thể, khu vực thôn 5 xã Lộc Quảng đã xây dựng 32 căn nhà, khu vực xã Lộc tân đã xây dựng 25 căn, khu vực xã B'Lá xây dựng khoảng 80 căn nhà tiền chế. Các khu vực còn lại chưa xây dựng", UBND huyện Bảo Lâm nêu rõ.

Khu vực đất tại xã B'Lá được xây dựng 80 căn nhà sau khi tách thửa. Ảnh: Văn Long.
Khu vực đất tại xã B'Lá được xây dựng 80 căn nhà sau khi tách thửa. Ảnh: Văn Long
Hiện các tuyến đường giao thông mới hình thành đấu nối với đường giao thông tại khu vực đã trải thảm nhựa và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các hộ dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thông báo nộp tiền của Chi cục thuế khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm. 
Trong khi đó, tại TP.Bảo Lộc, việc tách thửa cũng diễn ra rầm rộ từ năm 2018 đến 2021. Từ 3.873 thửa ban đầu đã hình thành 12.736 thửa đất mới, tác động đến hơn 1.200ha đất. Việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn mới đã có 115 hộ gia đình, cá nhân thực hiện.

Thực tế, việc hiến đất mở đường là
Thực tế, việc hiến đất mở đường là "chiêu thức" để phân một khu vực đất rộng lớn ra thành nhiều thửa nhỏ nhằm tách thửa, phân lô, bán nền.
Trước đó, qua thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định, một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình, làm hàng rào, nhà bảo vệ là hành vi lấn chiếm đất công.
Từ đó cho thấy, bản chất việc hiến đất chủ yếu vẫn là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải là để phục vụ lợi ích cộng đồng, không thuộc đối tượng được nhà nước khuyến khích.
Theo UBND TP Bảo Lộc, liên quan đến việc mở đường có 1 trường hợp hiến hơn 10ha đất, 3 trường hợp hiến từ 5 - 10ha và 11 trường hợp hiến 2 - 5ha. Việc hiến đất, mở đường xảy ra chủ yếu ở các địa bàn 7 xã, phường: Phường Lộc Phát, xã ĐamB’ri, phường Lộc Tiến, phường 2, phường Lộc Sơn, xã Lộc Châu, phường B’Lao.
Tháng 1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện Bảo Lâm chỉ đạo tạm dừng tác động, đầu tư, xây dựng thi công các công trình tại nhiều khu vực. Ảnh: Văn Long
Tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện Bảo Lâm chỉ đạo tạm dừng tác động, đầu tư, xây dựng thi công các công trình tại nhiều khu vực. Ảnh: Văn Long
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian vừa qua, trên địa bàn có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn. Nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án bất động sản gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Bảo Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng đã yêu cầu huyện này chỉ đạo tạm dừng tác động, đầu tư, xây dựng thi công các công trình trên đất thuộc khu vực 15 hộ tách thửa tại thôn 5, 6 xã Lộc Quảng (khu vực được quảng cáo là dự án Sun Valley), khu vực ông Nguyễn Mạnh Tưởng tách thửa tại thôn 4, xã B’lá ( được quảng cáo là dự án The Tropicana 1). 
Song song với đó, các khu vực khác do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tách thửa, giới thiệu, quảng cáo là dự án bất động sản trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũng phải tạm dừng.
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.