Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN) |
Sau gần 3 năm triển khai Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông (theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021), Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chấm dứt hiệu lực của Quy chế này do không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông.
Theo Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 4/12/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích (trong đó có thương mại dịch vụ, du lịch canh nông) đã được bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển và kinh doanh loại hình du lịch canh nông trong thời gian tới theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn để hướng dẫn việc đầu tư và kinh doanh đúng quy định của pháp luật; đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Từ năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông, đưa Lâm Đồng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian thực hiện, đến nay đã có hàng chục mô hình du lịch canh nông đi vào hoạt động, đón khách du lịch hiệu quả.
Du lịch canh nông là mô hình du lịch trải nghiệm, khi đến các mô hình này, ngoài được tham quan, du khách còn tham gia trải nghiệm "một ngày làm nông dân." Nghĩa là mỗi du khách sau khi được hướng dẫn về quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi đều có thể tự tay trồng trọt, chăm sóc, thu hái các sản phẩm nông nghiệp và đem vào bếp chế biến, thưởng thức theo ý thích của mình.
ừ khi tổ chức thí điểm đến nay, khoảng trên 400 tỷ đồng đã được đầu tư cho các mô hình trong toàn tỉnh; 302ha trong đó có 212ha đất nông nghiệp đã được đưa vào triển khai loại hình du lịch mới mẻ này.
Thời gian qua, có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông là Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng, Công ty TNHH Anpha Farm, Công ty TNHH Nông nghiệp An Nhiên, Công ty TNHH 1000 Hoa và Công ty TNHH Malakai, chủ yếu hoạt động tại thành phố Đà Lạt.
Trong số này, đã có 2 đơn vị được cấp Quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án là Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng và Dự án điểm du lịch canh nông Anpha Farm của Công ty TNHH Anpha Farm.
Qua khảo sát, có một số mô hình mới tiềm năng ở thành phố Đà Lạt như Mộc Trà Farm ở xã Xuân Trường, Nông trại cún-Puppy Farm ở Phường 7, Vườn dâu sạch Berry Valley ở phường 7, mô hình Càphê Mê Linh ở xã Tà Nung.
Các địa phương khác cũng có các mô hình như mô hình Happy Green ở xã Lát - huyện Lạc Dương, Avocado Farm ở xã Quảng Lập - huyện Đơn Dương, Càphê Tám Trình ở xã Gia Lâm - huyện Lâm Hà, Làng chè Tây Nguyên ở thị trấn Lộc Thắng - huyện Bảo Lâm... đang đưa vào kinh doanh hiệu quả, là điểm đến của hàng ngàn du khách trong nước, quốc tế.
Tuy nhiên, qua ý kiến của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, theo Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông ban hành theo Quyết định số 933/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh thì đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, do vậy Ủy ban Nhân dân tỉnh cần điều chỉnh, thêm đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể. Với các hộ không đủ điều kiện về diện tích, có thể linh hoạt cho phép các hộ này liên kết với nhau. Đồng thời, với các dự án du lịch canh nông, xem xét cho phép chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng một số công trình phục vụ như nhà đón tiếp, nhà vệ sinh...