'Lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế như chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, căng thẳng thương mại leo thang, lạm phát trong nước gia tăng mạnh mẽ…dự báo lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019.
 
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo vĩ mô mới đây cho biết, lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kin tế.
Cụ thể, liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau thập kỷ nới lỏng. Tại Mỹ, FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 khi lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. Mức lãi suất điều hành của FED dự kiến sẽ đạt 3,5% trong năm 2019. NHTW Châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm 2018 trong khi NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Bên cạnh việc đồng bạc xanh và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang, sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa và đe dọa sự ổn định tài chính cũng như chất lượng tín dụng tại nhiều quốc gia. Các quốc gia sở hữu quy mô nợ nước ngoài lớn dễ bị tổn thương hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia khác bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy.
Hiện tại, các quốc gia đang đối mặt với khối nợ khổng lồ như Venezuela, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải phá giá đồng tiền. Các nhà đầu tư và chủ nợ ngày càng quan tâm hơn tới khả năng vỡ nợ. Tại Châu Á, Ấn độ tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm 2018.
Trong ASEAN, 4 nền kinh tế lớn, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi Việt Nam và Thái Lan chưa ghi nhận nhiều thay đổi.
Liên quan tới các rủi ro nội tại, theo nhóm nghiên cứu VDSC, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất. Kể từ sau khi chạm đáy vào năm 2015, lạm phát bắt đầu hồi phục và liên tục gia tăng trong các năm sau đó. Giá dầu thô và thực phẩm tăng cao đang đóng vai trò chi phối diễn biến lạm phát. Căng thẳng thương mại với việc các quốc gia dựng lên hàng rào thuế quan có khả năng sẽ đẩy lạm phát lên cao.
Trong năm 2018, lạm phát được dự báo ở mức 4%, mức cao nhất kể từ 2014. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu chỉ ở mức 4,25%/năm, giảm từ 4,5%/năm vào tháng 7/2017 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng trên thị trường dao động quanh mức 6,5%/năm.
 
Lãi suất với lạm phát (2008-2018)
Bên cạnh áp lực từ lạm phát, báo cáo của VDSC cũng cho biết, tiền đồng mất giá cũng đe dọa chính sách lãi suất thấp của Việt Nam. Tính đến giữa tháng 8/2018, tỷ giá giao dịch ngân hàng đã tăng 2,7% so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm đã tăng gần 4%.
Trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%. Nhằm nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng.
Bảo Vy (BizLIVE)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).