Nhiều hộ dân ở Kon Tum đang nuôi hy vọng thành tỉ phú nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
Với những giá trị y học và kinh tế của sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã xác định đây là loài cây chủ lực để phát triển kinh tế địa phương trong tương lai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã xác định sâm Ngọc Linh là loài quý, phải nghiên cứu để loài cây này trở thành quốc kế.
Rủ nhau trồng sâm
Huyện Tu Mơ Rông - một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Kon Tum - được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum và cả nước. Trước đây, ít người biết giá trị của sâm Ngọc Linh nên giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Khi loài cây hạt đỏ này nổi tiếng, người dân kéo nhau lên núi tìm khiến chúng dần cạn kiệt. Nhiều người dân các xã dưới chân núi Ngọc Linh như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây đã mang về trồng thử.
Ông A Sỹ (Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri) là một trong những người đi đầu ở địa phương về trồng sâm Ngọc Linh và chỉ dẫn cho bà con trong vùng trồng để cùng phát triển kinh tế. Còn ông A Hình (hơn 50 tuổi) đã trồng được trên 2.000 gốc sâm Ngọc Linh, đang chờ ngày thu hoạch.
Sâm Ngọc Linh đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn của người dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum |
Nói về việc người dân trồng sâm Ngọc Linh tại địa phương mình, ông Nguyễn Bá Thành-Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết cả xã có gần 500 hộ dân thì đã có 270 hộ liên kết với công ty để trồng sâm Ngọc Linh. 230 hộ còn lại (có cả hộ liên kết với công ty) trồng tự phát loại sâm này. "Bây giờ sâm Ngọc Linh chưa thu hoạch. Các loại cây dược liệu và cây nông nghiệp khác đã đủ cho cuộc sống của người dân. Khi nào có sâm Ngọc Linh bán, mỗi hộ chỉ cần vài trăm gốc là sẽ có tiền tỉ trong tay. Nhiều người sẽ thành tỉ phú" - ông Thành hy vọng.
Gian nan bảo vệ
Vì sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao nên người trồng sâm rất gian nan để bảo vệ cây sâm trước nạn trộm cắp cũng như côn trùng, động vật phá hoại. Anh A Phất - thôn Đắk Dương, xã Măng Ri - cho biết trồng sâm không khó bằng canh giữ sâm. Vườn sâm của gia đình anh đã có thể thu hoạch được nên cả nhà phải thay nhau canh giữ cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, anh còn phải làm chông để đối phó với "sâm tặc", đặt bẫy để bắt những loài thú vào săn sâm.
Ông Trần Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh, kể vừa qua một luống sâm đột nhiên bị trụi lá. Khi các công nhân của công ty tìm thì phát hiện bên trong hốc cây rỗng, một ổ chuột được làm toàn những lá sâm tươi. Luống khác thì bị gãy đổ vì chim trĩ bới từng gốc sâm để ăn. "Chuột ở đây nhiều vô kể. Chúng tôi phải thuê "thần" bắt chuột từ ngoài Bắc vào để tìm cách diệt trừ nhưng cũng không được nên đành dùng cách cũ là đặt bẫy, đồng thời khi các cây sâm ra hoa thì dùng lớp nhựa bọc kín để chuột khỏi ăn. Những cách này cũng chỉ hạn chế được phần nào" - ông Hoàn chia sẻ.
Không chỉ vậy, thời tiết xấu, mưa giông, mưa đá cũng là một trong những kẻ thù làm gãy đổ sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, những lúc sâm đang ra hoa gặp phải thời tiết xấu có khi mất trắng cả vụ hạt.
|
Hoàng Thanh (NLĐO)