Chiều 27.6, gần 20.000 thí sinh tại 47 điểm thi trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ghi nhận sơ bộ cho thấy, nhờ tỉnh ta chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, trong đó ngành GD&ĐT là chủ công, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và đổi mới.
Đề thi có tính thời sự, phân hóa cao, nhiều đổi mới
Đề thi năm nay được đánh giá có nhiều đổi mới, gắn thực tiễn, có tính thời sự, phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh (TS) không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết vận dụng tư duy, kỹ năng thực tiễn. Dù có độ khó nhất định, đề thi vẫn bám sát định hướng chương trình mới, cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, ghi nhận bước chuyển đổi trong tiến trình đổi mới giáo dục toàn diện.
Ông Trần Hà Nam, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), nhận định: Đề thi môn Ngữ văn chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bám sát cấu trúc, có tính mở, yêu cầu vận dụng thay vì chỉ học thuộc đơn giản; đặc biệt đề thi có tính thời sự, đòi hỏi TS phải nhạy bén và quan sát thực tế. Với chương trình GDPT 2006, đề cơ bản, học sinh khá dễ đạt điểm cao nhờ các dạng quen thuộc.
Ở môn Toán, theo nhận định từ một số giáo viên, đề thi có tính phân loại tốt. Nhiều câu hỏi toán ứng dụng, yêu cầu TS phải tập trung. Học sinh học lực trung bình khá sẽ khó lấy điểm cao, phổ điểm đại trà dự báo ở mức 5 - 6 điểm.
![]() |
Thí sinh trao đổi sau kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: HỒ ĐIỂM |
Trong khi đó, đánh giá về đề thi môn Hóa học năm nay, ông Trần Tấn Thành, Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), cho biết đề thi vừa sức với TS; có câu hỏi thực nghiệm mang bản chất hóa học tốt, không nặng về tính toán; các câu hỏi tính toán hợp lý, có câu liên quan chuyên đề học tập. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 như tinh thần của Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, có một tỷ lệ nhỏ ở chương trình lớp 10, 11. Nếu TS nắm bài tốt sẽ dễ dàng đạt 7 điểm trở lên.
Tại điểm thi Trường Quốc học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), đánh giá đề thi hay, thú vị, 2 TS Cao Nguyễn Thái Duyên và Từ Minh Đạt (Trường Quốc học Quy Nhơn) chia sẻ, đề Ngữ văn mang tính thời sự về những vấn đề gần đây, gần gũi đời sống, em làm bài khá ổn.
“Ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỳ thi, từ việc ban hành văn bản, chuẩn bị cơ sở vật chất cho đến công tác tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng tham gia kỳ thi. Đội ngũ coi thi làm việc nghiêm túc, đúng quy chế, thí sinh thực hiện tốt nội quy. Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc trong công tác tổ chức thi tại Bình Định. Địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp liên ngành và xử lý các tình huống phát sinh linh hoạt, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”. TS Lê Xuân Lãm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Tài chính - Kế toán, Trưởng đoànKiểm tra của Bộ GD&ĐT tại Bình Định |
Trong khi đó, một số TS cho biết đề Toán và Tiếng Anh năm nay khá khó, đặc biệt yêu cầu tư duy vận dụng, có tính phân hóa cao. TS Nguyễn Lê Quốc Huy (Trường THPT Trưng Vương, Quy Nhơn) bộc bạch: “Môn Toán em làm chắc khoảng 50%, tiếng Anh thì ổn hơn chút, nhưng cũng không mấy khả quan”.
Tuy vậy, các môn thi tự chọn được nhiều TS đánh giá là vừa sức, cấu trúc rõ ràng, bám sát nội dung ôn tập. Thí sinh Nguyễn Lương Bích Ngọc (Trường THPT Trưng Vương) nói: “Em thấy đề thi môn Lịch sử, Địa lý dễ, chắc đạt trên 8 điểm”.
Năm nay, tại điểm thi Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) - điểm thi duy nhất dành cho TS tự do, công tác tổ chức được thực hiện chu đáo, nghiêm túc. Em Nguyễn Trung Nguyên, TS tự do, Trường THPT số 2 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đánh giá: “Đề thi năm nay không bất ngờ, cấu trúc quen thuộc, bám sát đề tham khảo. Nếu ôn tập kỹ thì hoàn toàn làm được”.
Các TS tự do cũng đánh giá cao việc được bố trí thi riêng, tạo điều kiện thuận lợi và tránh áp lực không cần thiết.
Nghiêm túc, đúng quy chế
Đảm bảo thích ứng với những đổi mới của kỳ thi, đồng thời diễn ra trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành, năm nay ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động từ công tác chuẩn bị, bố trí 880 phòng thi, 10 phòng chờ, 1.848 cán bộ coi thi, 337 cán bộ giám sát, 143 thư ký điểm thi; 391 cán bộ CA, y tế, người phục vụ kỳ thi...
Ghi nhận tại các điểm thi, công tác tổ chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Qua 2 ngày thi, lực lượng CA, y tế, ĐVTN… tích cực hỗ trợ TS và đảm bảo an toàn kỳ thi. Phòng thi được bố trí đầy đủ thiết bị giám sát, không xảy ra sự cố bất thường. Không ít phụ huynh bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ngành GD&ĐT và sự vào cuộc của toàn xã hội.
Công tác truyền thông về quy chế thi được thực hiện đồng bộ, giúp các em chủ động, tự tin tham gia kỳ thi. Đồng thời, sự vào cuộc trách nhiệm của toàn xã hội đã góp phần vào thành công chung của kỳ thi. Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra: An toàn, nghiêm túc, khách quan và phản ánh đúng năng lực học sinh. Đây là tiền đề quan trọng để ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 và chuẩn bị cho các kỳ thi những năm tiếp theo, theo đúng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai công tác chấm thi theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Dự kiến ngày 16.7 sẽ công bố điểm thi.
* Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, ngày 26.6, vắng 62 TS thi môn Ngữ văn và Toán theo chương trình GDPT 2018; vắng 27 TS thi môn Văn và 22 TS thi môn Toán theo chương trình GDPT 2006. Sáng 27.6, ở nhóm TS thi chương trình GDPT 2018, ca thi đầu vắng 70 TS, ca thứ 2 vắng 69 TS; chương trình GDPT 2006, tổ hợp Khoa học tự nhiên vắng 26 TS, Khoa học xã hội vắng 46 TS; chiều 27.6, môn Ngoại ngữ chương trình GDPT 2006 vắng 17 TS.
* Có 1 TS vi phạm quy chế thi do mang điện thoại vào phòng thi vào ngày thi môn Toán, tại điểm thi Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh).
HỒ THỊ ĐIỂM