Kỷ niệm của một nhà giáo đi B

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giáo dục trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ghi dấu trong sự nghiệp trồng người của tỉnh Kon Tum. Thời gian đi qua, song kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên vẫn còn nguyên vẹn trong lòng nhà giáo Phạm Ngọc Thái - nguyên nhà giáo đi B, nguyên cán bộ giáo dục H80.

Sinh năm 1947, tròn 20 tuổi, Phạm Ngọc Thái đã tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, chuyên ngành Hóa - Sinh. Sau 5 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng xung phong ghi danh, có mặt trong đoàn cán bộ tình nguyện đi B vào tháng 1/1972.

Thầy Thái nhớ lại: Đoàn đi B hồi ấy khá đông với sự tham gia của cán bộ các ngành (giáo dục, y tế, văn hóa, bưu điện...). Lên xe tải vào đến biên giới Việt- Lào, được giao liên dẫn đường đi bộ về hướng Tây Trường Sơn.

Thầy giáo Phạm Ngọc Thái. Ảnh: TN

Thầy giáo Phạm Ngọc Thái. Ảnh: TN

Rừng núi hiểm trở, mọi người cứ đi 1 ngày, đến trạm nghỉ chân thì dừng lại nấu cơm, theo biên chế mỗi tổ 3 người cho cơ động, gọn nhẹ. Ngày đi, đêm nghỉ, mải miết đi bộ hết ngày này sang ngày khác. Đường dốc đèo, trời mưa, dép cao su trơn trượt nên phải tháo ra. Chân bám đất, tay chống gậy, lưng nặng trĩu ba lô trên 30 kg, gồm ít tư trang, thuốc men, còn chủ yếu là gạo, nước. Gặp những chỗ dốc lớn, mọi người cần phối hợp nhịp nhàng: Người ở trên thả dây xuống, người dưới dốc buộc ba lô vào, rồi từ từ kéo lên. Lên đến đỉnh dốc thì đồ đạc, tay chân đều lấm dày bùn đất. Cứ thế, xuống hết dốc, thì chỉ kịp lau tay vào lá rừng rồi lấy cơm nắm ra ăn, rồi đi tiếp.

Hành quân ban đêm, đèn pin cá nhân được che kỹ, chỉ chừa một lỗ nhỏ rọi xuống mặt đường, để tránh máy bay địch phát hiện. Qua sông, suối, nước chảy xiết thì cột dây cáp vào 2 cây lớn hai bên bờ, từng người bám dây đu qua. Có lần bị sốt nặng, thầy Thái cũng chỉ uống vài viên thuốc rồi tiếp tục hành trình gian nan.

5 tháng vượt đường Trường Sơn, đoàn cán bộ đi B tập kết tại Ban Giáo dục Khu V. Sau thời gian công tác tại đây, tháng 4/1973, thầy Thái được điều về Ban Giáo dục tỉnh Kon Tum (do cô Võ Thị Quế làm trưởng ban). Từ đây, thầy lại được phân công về Giáo dục H80 (sau là huyện Đăk Tô), lúc đó, phụ trách là thầy Nguyễn Thanh (nhà giáo đi B vào đầu những năm 60).

Tháng 9/1973, thầy Thái chính thức nhận nhiệm vụ phụ trách công tác giáo dục xã Tân Cảnh. Sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972, tình hình địa phương cơ bản đã ổn định, song đời sống nhân dân còn chưa hết khó khăn, thiếu thốn. Không trường, không lớp, không học sinh là thực trạng ở đây lúc bấy giờ. Vì phải tập trung chủ yếu cho sản xuất để chống đói, nên các gia đình đều chưa quan tâm, chú ý đến việc học hành của con em. Trong vai trò phụ trách, thầy chủ động đứng ra tổ chức, vận động gây dựng phong trào. Nhờ đi sâu đi sát nắm bắt tình hình và xác định kế hoạch phù hợp, thầy đã tuyển chọn và động viên một số thanh niên có trình độ cấp 1 tự nguyện tham gia dạy học. Song song với “gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, là vận động bà con tìm kiếm nguyên vật liệu, đóng góp công sức làm phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá. Nhờ đó, dù còn vô vàn khó khăn, song sau đó, xã Tân Cảnh đã mở được khoảng 2-3 lớp tại địa bàn thôn. Mỗi lớp chỉ có chừng 5 - 7 học sinh, song các thầy cô đều nhiệt tình dạy chữ.

Ông Phạm Ngọc Thái (đứng giữa) gặp mặt đồng nghiệp Bổ túc Công Nông tỉnh. Ảnh: T.N

Ông Phạm Ngọc Thái (đứng giữa) gặp mặt đồng nghiệp Bổ túc Công Nông tỉnh. Ảnh: T.N

Sau thời gian gây dựng phong trào ở Tân Cảnh, tháng 11/1973, thầy Thái nhận công tác tại Trường Nội trú H80, đứng chân ở Kon Đào, sau chuyển về Đăk Tờ Kan. Sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS địa phương giai đoạn này rất khó khăn, vất vả. Công tác giáo dục càng nan giải hơn. Thầy Thái tích cực vận động nhân dân làm trường học bằng tranh tre nứa lá, kết hợp với kêu gọi các gia đình cho con em đến trường. Không chỉ tuyển chọn giáo viên là người địa phương cơ bản đã học cấp I tham gia đứng lớp, thầy còn trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm và truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy cho anh chị em. Đường đi rất khó khăn, các xã cách trường cả chục cây số, mùa mưa lũ các em lại nghỉ học, nên các thầy cô phải “gõ cửa từng nhà”. Sinh hoạt thiếu thốn, ngoài cơm, khoai ít ỏi, thầy trò chủ yếu ăn măng rừng, rau dại chấm muối, song thời gian này, ở Đăk Tờ Kan cũng mở được 3 lớp cấp I, mỗi lớp từ 13-15 học viên.

Tháng 4/1974, thầy Thái được điều chuyển công tác về Trường Bổ túc văn hóa mà Ban Giáo dục tỉnh đã gây dựng tại xã Đăk Pxi, do thầy Đỗ Sương làm hiệu trưởng. Vừa phải trực tiếp lao động và tổ chức cho học sinh trồng mì, tỉa lúa để tự túc thêm lương thực, thầy vừa đảm bảo nội dung chương trình lên lớp hằng ngày. Với tranh tre nứa lá, trường đã mở được 2 lớp (lớp 4 và lớp 5), mỗi lớp khoảng 10 học viên, là cán bộ cơ sở của H80 và một số cán bộ đội công tác H5.

Kon Tum giải phóng, thầy Thái cùng đồng chí, đồng nghiệp và học viên từ Đăk Pxi chuyển về thị xã, tham gia tiếp quản Ty Giáo dục - Thanh niên tại khu vực đầu cầu Đăk Bla (nay là Bảo tàng tỉnh). Sau những năm gắn bó với Trường Bổ túc Công Nông tỉnh Gia Lai - Kon Tum, đầu năm 1979, thầy Phạm Ngọc Thái được điều động về công tác, đóng góp cho các đơn vị giáo dục thuộc huyện Đăk Tô, cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2000.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.