(GLO)- Trong ngày làm việc cuối đợt 1 (30-10), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Quang cảnh phiên làm việc ngày 30-10 của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới. Qua đó, tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để việc tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Tham gia thảo luận tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Hà Nội), đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội-cho rằng: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định một số quan điểm trọng tâm như: hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; gắn kết tăng trưởng với phát triển xã hội, phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa và cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn. Báo cáo cũng nhắc đến xu thế vấn đề về lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế cạnh tranh. “Chính vì vậy, tôi cho rằng, thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng lao động, kỹ năng nghề của người lao động cần phải được quan tâm hơn để sẵn sàng đồng hành và chủ động cùng với các thị trường khác thì kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế mới đạt được hiệu quả và thực chất”-đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu ý kiến.
Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, qua bài học dịch Covid-19, chúng ta cần đưa những vấn đề và kinh nghiệm để bổ sung vào kế hoạch nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với những tác động khác của thị trường trong tương lai chứ không chỉ là dịch bệnh. Đồng thời, phát triển, cơ cấu lại thị trường lao động cần được chú ý hơn không chỉ trên những đánh giá qua các chỉ số tổng quát mà còn phải có sự thay đổi về chất thực sự để khắc phục những hạn chế hiện nay.
“Chính phủ và các bộ, ngành cần đầu tư hơn, chú trọng đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp, phản ánh được cơ cấu lại về chất lượng của thị trường lao động, tận dụng những năm cơ hội “dân số vàng” chỉ đến có một lần với mỗi quốc gia. Việt Nam chỉ còn khoảng 20 năm nữa cho dư lợi dân số này. Đồng thời, tận dụng lợi thế của vốn nhân lực (hiện chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam ở mức khoảng 0,68-0,69, cao hơn mức trung bình của thế giới và trong khu vực) không chỉ để khắc phục những hạn chế hiện nay mà còn bù đắp cho lực lượng lao động sụt giảm, già hóa dân số tăng nhanh”-đại biểu Đinh Ngọc Quý đề nghị.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, phát triển liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư bị dàn trải, trùng lặp giữa các địa phương, dẫn tới nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả. Các đại biểu đề nghị để đẩy nhanh liên kết vùng giữa các địa phương cần có chính sách ưu tiên đầu tư công, nhất là ưu tiên những địa phương có liên kết với nhau. Từ đó, tạo tiền đề cho các địa phương liên kết, phối hợp trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo nên liên kết vùng, không còn đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả đầu tư nguồn vốn Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai theo dõi nội dung góp ý của đại biểu Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quang Tấn |
Cũng trong chương trình làm việc ngày 30-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quan điểm, mục tiêu và phương án quy hoạch, đồng thời thống nhất với những ý kiến đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với dự kiến quy hoạch trên.
Các đại biểu cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần ổn định và có tính khả thi cao nhằm phát huy hiệu quả, hạn chế việc lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Đồng thời, tránh quy hoạch treo và công khai công tác quy hoạch ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương để không phát sinh khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần phân cấp cho HĐND cấp tỉnh trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai. Song song đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích các loại đất; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai gắn với tăng cường công tác thanh, kiểm tra; xây dựng chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Sau 10 ngày làm việc, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình họp đợt 1 theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch, từ ngày 8 đến 13-11-2021, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Được biết, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.
QUANG TẤN