Kỳ cuối: Chuyện vui vui giờ mới kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi đang thực hiện bài viết này, cho cái mục mà khá nhiều người Phố núi quan tâm-Ký ức Pleiku ấy, tôi nhận được nhiều lời cổ vũ của bạn bè cùng thời, chẳng phải vì muốn cho tôi “nổi tiếng”, mà là có lẽ sợ tôi chẳng còn nhớ được nhiều bao chuyện đời, chuyện nghề, chuyện linh tinh trên “con đường” ở một thời đã xa ấy...

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Cho tới đầu năm 1988 tôi mới trở lại cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, nhưng bằng một công việc khác-một chuyên viên chuyên trách giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn. Bấy giờ, mấy chỗ được coi là nơi làm việc của nhiều cán bộ, nhân viên như chúng tôi đã thay đổi, một khu nhà vốn là xưởng giặt ủi thời trước năm 1975 chuyên làm công việc này cho các quân nhân thời chế độ cũ nên khu nhà đã bị tịch thu theo quy định của chính sách cải tạo công thương nghiệp. Khu nhà cho dù chỉ cải tạo lại thôi, nhưng thời ấy dưới con mắt của những người... nông dân chúng tôi, nó thật sự là một công sở tầm cỡ. Con đường Lê Hồng Phong bấy giờ vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Tuy thế, khu vực này đã được cải thiện phần nào về độ... mật.       

Một ngày kia, chẳng còn nhớ kỹ, đó là lý do gì mà tôi lại được giao cùng anh Trương Văn Sở, bấy giờ là một kế toán của cơ quan Tỉnh ủy đi xin trà (trà uống nước) trong Nông trường Chè Bàu Cạn. Chắc chắn là anh Sở không có bằng lái xe, bởi hồi mới sau giải phóng chưa lâu, nên cũng không ai quan tâm nhiều đến luật lệ về giao thông. Vốn là lái xe trước khi thoát ly lên núi, anh Sở còn cầm lái tốt. Đang bon bon trên đường, anh cho xe vọt vút lên và ngoẹo tay lái hết trái rồi sang phải, thế là một chú cu đất đang kiếm ăn trên mặt đường sa vào kính chắn gió từ phía trước và rơi ra. Con chim chút xíu thành món mồi ngon cho mấy chàng tài xế vào tối hôm ấy cùng những chai rượu “Tân Cảnh”. Cái thời khổ mà vui, mà thân thiện lắm, có chút “ca cóng” gì đều réo nhau tập hợp. Khu vực nhà để xe của Báo Gia Lai bây giờ, khi ấy là dãy nhà kho, bề ngoài trông ọp ẹp, nhưng bên trong chứa nhiều... của quý. Đặc biệt là bia và rượu. Có ai còn nhớ không, cái thời cả Pleiku chỉ có ba, bốn cửa hàng ăn uống, nhiều khi muốn uống một chai bia 333, phải bị mua kèm một đĩa gì đó, gọi là bán kèm. Bia rượu phải mua bằng lệnh, bằng giấy giới thiệu, cơ quan càng to, càng uy, càng dễ tiếp cận với mấy thứ hàng hóa “cao cấp” này. Thế mà, ở các kho của Văn phòng Tỉnh ủy những thứ đó không khi nào cạn. Mà lại cũng hay, cái thời ấy khẩu hiệu “thủ kho to hơn thủ trưởng” được phát huy mạnh mẽ, nên đôi khi bọn chúng tôi dụ được thủ kho, đương nhiên là cũng to hơn thủ trưởng rồi. Mà thôi, chuyện ăn nhậu nói làm gì, thời ấy phải gọi thời nay bằng... ông tổ, ông tông!

Cũng là do bia rượu mà có một lúc nội bộ Văn phòng Tỉnh ủy có vấn đề. Vài cán bộ hành chính, quản trị đôi lúc lợi dụng công việc của mình, uy tín của cơ quan để mua rẻ (bao cấp) bán đắt (“chợ đen”) một số mặt hàng để kiếm chút lời, các bộ phận khác đâm ra nghi kỵ, so bì và sinh chuyện. Cũng lạ, sinh hoạt, họp hành, học tập... thì nói toàn chuyện to tát, chủ nghĩa này nọ, giai cấp, tầng lớp đủ thứ, nghe tưởng tất cả đã thành giai cấp công nhân, đã rũ bỏ được bản chất hẹp hòi của cái cội mình xuất phát; hóa ra không phải vậy, đụng chạm tý đỉnh quyền lợi cá nhân là sinh chuyện, so đo, tính toán, thậm chí tìm cách bôi xấu nhau sau lưng bạn bè, đồng nghiệp.

Rồi “trời cũng quang, mây cũng tạnh” khi mà những “con sâu” đã hết làm “rầu nồi canh”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, bác Năm Vinh động viên tôi, khi đó là Bí thư Đoàn cơ sở các cơ quan Tỉnh ủy (chỉ các cơ quan nằm trong khu vực đường Lê Hồng Phong), rằng những chuyện “nội bộ” như thế trong các cơ quan cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, công tác; tổ chức Đoàn Thanh niên phải là người gương mẫu trong mọi lĩnh vực, trước hết là ổn định tư tưởng, động viên mọi người làm tốt công việc được giao. Cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy phải làm gương cho các cơ quan khác, phải xứng đáng là cơ quan tham mưu, cơ quan phục vụ cho cấp ủy... Thế mà cũng đã mấy chục năm rồi, bác Năm Vinh về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, ông bị căn bệnh hiểm nghèo và đã mất ở Hà Nội.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Ksor Krơn, khi tôi làm thư ký riêng cho ông, trò ba ba (33), thầy năm bảy (57), một lũ nhóc nhà Bí thư coi tôi như anh cả của chúng, sự thân thiện đôi khi trên mức của những người bà con. Gia đình ông ở tạm mấy năm trong căn nhà mà giờ là trụ sở của Ban Chăm sóc Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ của Tỉnh ủy, ngay cạnh ngã ba Võ Thị Sáu-Lê Hồng Phong. Một căn nhà sang, đẹp vào hàng nhất nhì so với những căn nhà khác trong khu vực, sự ưu tiên đó chẳng làm ai phật ý, so đo. Thật khổ, nhiều khi có những chuyến công tác xa, nơi có điều kiện cho việc mua sắm chút ít hàng hóa giá rẻ, như mắm muối, cá khô, gạo, cám..., “bí thư” của Bí thư không dám ngỏ cùng chồng về chuyện mua bán, đổi chác thì người giúp việc lãnh hội. Mà lãnh rồi để đó, “xe của Bí thư đi công tác” nhất thiết không “kèm theo” những thứ linh tinh lang tang được, nên chuyện “đi không về rồi” là thường tình. Như hiểu chuyện chẳng bao giờ cô nhà Bí thư trách cứ.

Nhà Bí thư cũng là nơi “tạm trú” của người làng xa khi lên phố thăm tỉnh trưởng, mà chẳng tháng nào không vài ba đoàn người của làng về thăm. Trên Tu Mơ Rông vùng chân núi của sâm Ngọc Linh quê ngoại xã tít tắp, cho đến tận Chư Mố làng của những chàng vua Lửa xứ nội cũng chẳng gần, rồi bà con quanh vùng, quanh xã nữa... Phương tiện đi lại ngày đó khó khăn đến là vậy mà bà con không quản ngại, khi đã yêu, đã quý, đã trọng rồi thì nào có ngại chi núi sông cách trở. Người ta bảo Ksor Krơn là Bí thư của làng cũng chẳng sai. Nhà Bí thư cũng vậy, phía trước còn có chút đất, bà Bí thư tận dụng làm vườn, nào cà đắng, khổ qua, cải, ớt... cứ như vườn ở làng. Thế mà cũng giúp được ít nhiều cho cả một bầy trẻ và đôi khi khách khứa nữa có thêm chút rau xanh và sạch.

Mấy năm trước Bí thư Ksor Krơn ốm nặng, những tưởng không qua khỏi. Đến nhà thăm, ông bảo với tôi rằng “chú mà qua tuổi 80, thì chú sẽ còn sống dai lắm”. Giờ ông đã 85, mấy nay chưa ghé nhà, chẳng biết cái sự “sống dai” của chú sẽ đến khi nào. Vẫn hy vọng lời của chú ấy linh ứng lắm thay!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm