Krông Pa ngăn chặn việc dùng gỗ rừng sấy thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thuốc lá là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Những năm qua, người dân trồng thuốc lá đã có một nguồn thu nhập rất lớn, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, cứ vào vụ thu hoạch, những cánh rừng tại Krông Pa lại đứng trước nguy cơ bị xâm hại để lấy củi sấy thuốc lá.

Kiểm lâm địa bàn kiểm tra các lò sấy thuốc lá ở xã Phú Cần. Ảnh: Đ.M
Kiểm lâm địa bàn kiểm tra các lò sấy thuốc lá ở xã Phú Cần. Ảnh: Đ.M

Anh Nguyễn Bảo Ngọc (thôn Bình Minh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa)-một hộ dân trồng thuốc lá sợi vàng cho biết: “Để sấy thuốc lá, phải dùng than, các loại thân cây cà phê, điều, trấu và gỗ củi được lấy từ rừng tự nhiên. Trong 2 ngày đầu, để lấy nhiệt độ cao, người ta thường dùng củi để đốt. Ba ngày sau, khi cần giữ nhiệt để lá thuốc được vàng mới dùng nguyên liệu là trấu. Trung bình 1 ha thuốc lá phải đốt khoảng 2-3 ster củi. Nhà tôi cũng viết cam kết không sử dụng củi rừng để sấy thuốc lá nên đến đầu mùa thì mua củi điều và cà phê để sấy”.

Thôn Bình Minh (xã Phú Cần) là nơi tập trung nhiều lò sấy nhất huyện Krông Pa. Trong các khoảnh sân vườn, dưới những tán cây… ở đâu cũng có phụ nữ, trẻ em, người già… ngồi xiên lá thuốc. Sau lưng những ngôi nhà là các lò sấy thuốc lá. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lò sấy, nhà ít thì 1 lò, nhà nhiều thì 2-3 lò. Cả thôn có 53 hộ thì có đến 47 hộ trồng thuốc lá với gần 100 lò sấy. Để các lò sấy này hoạt động, ngoài số củi điều ít ỏi do người dân lấy từ các vườn điều, mua cây cà phê, cao su thì vẫn còn tình trạng người dân lén mua củi rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc mặc dù ngay từ đầu vụ chính họ đã ký cam kết với xã và ngành Kiểm lâm là không sử dụng củi rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc để sấy thuốc lá. Anh Lê Văn Khản (thôn Bình Minh) cho biết: “Khi vào vụ thuốc lá, gia đình tôi chuẩn bị mua củi ở Đất Bằng và nhiều nơi khác”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Dưng-Chủ tịch UBND xã Phú Cần, cho hay: Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn và thôn cho các hộ gia đình ký cam kết không sử dụng củi rừng để sấy thuốc lá vàng; đồng thời khuyến cáo bà con mua củi cà phê và cây điều mà người dân các xã lân cận bán để sấy. Đến nay, các thôn Đông Hưng, Thắng Lợi, Bình Minh và Hưng Hà đã cam kết không dùng củi rừng để sấy thuốc lá vàng mà tận dụng củi từ cây cà phê và cây điều. Trong những năm qua, bà con chấp hành rất tốt. Qua kiểm tra thì chất lượng củi từ cây cà phê và điều sấy tốt hơn củi rừng vì nhiệt độ đều và bà con có thể tận dụng được ngày công. Hơn nữa, củi rừng cũng đắt (6 đến 7 triệu đồng/xe) và không đảm bảo nên mấy năm vừa qua bà con trên địa bàn xã Phú Cần không còn dùng củi rừng để sấy thuốc lá vàng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu (huyện Krông Pa) cũng cho biết: Toàn xã có hơn 300 ha thuốc lá sợi vàng. Bước vào đầu vụ, UBND xã đã quán triệt và Đảng ủy đã có nghị quyết chỉ đạo các chi bộ và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền bà con không dùng củi rừng để sấy thuốc lá. Đến nay, người dân đã cơ bản chủ động được các nhiên liệu sấy bằng củi điều và cà phê. Xã cũng đã bản gửi cam kết xuống từng hộ dân cam kết không sử dụng củi rừng và 100% hộ trồng thuốc lá đều đã ký. Trên địa bàn của xã, không có hộ nào khai thác củi rừng để làm nhiên liệu sấy thuốc lá.

Theo những người dân trồng thuốc lá cho biết, sấy 1 mẻ thuốc lá nếu lò to thì mỗi lần sấy hết 1 xe công nông củi, còn lò nhỏ thì 2 xe sấy được 3 lò. Do vậy, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều người đã bắt đầu tích trữ củi. Để thuốc lá có sắc vàng, đẹp, ngọn lửa phải đều nên củi rừng là sự lựa chọn số 1 để sấy thuốc, vì đốt rất đượm lửa và tiết kiệm được công sấy. Vì vậy, cứ vào vụ thu hoạch thuốc lá, sức ép khổng lồ của nhu cầu nguyên liệu sấy thuốc lá lại tiếp tục đổ xuống những cánh rừng.

Huyện Krông Pa có gần 2.500 ha thuốc lá với hơn 700 lò sấy. Đem con số này nhân với lượng củi dùng để sấy trung bình phải lên đến hàng vạn ster mỗi năm. Điều này đã gây không ít khó khăn cho ngành chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cây thuốc lá mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp người dân vùng “đất khát” Krông Pa cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, nó cũng khiến cho những cánh rừng ngày càng teo tóp khi người dân lấy củi làm chất đốt. Để giải quyết những hệ lụy đó, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nói trên.

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, cho biết: “Ngay từ đầu vụ, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã tiến hành tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân không được sử dụng củi rừng tự nhiên không có nguồn gốc hợp pháp để sấy thuốc lá; tổ chức tuần tra các khu rừng trọng điểm, chốt chặn các đường ra khỏi rừng và ngăn chặn các hành vi phá rừng làm nương rẫy; tổ chức kiểm tra và tái kiểm tra đột xuất để xử lý các hộ sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá”.
 

 Đức Mạo

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.