Kông Chro: Trồng rừng sản xuất để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 4 năm triển khai trồng rừng sản xuất, không chỉ diện tích rừng trồng được mở rộng mà còn mở ra hướng đi mới giúp người dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) vươn lên thoát nghèo.

Tích lũy thu nhập từ trồng rừng

Tại một quả đồi ở làng Krắc (xã Đak Song), chiếc máy cày đang dùng tời để vượt dốc, phía xa xa là những đống keo đã được người dân róc sạch vỏ chờ vận chuyển. Sau tiếng cưa máy hối hả, những thân keo cao gần 10 m ngã rạp. Người chặt cành, phân đoạn, người róc vỏ cây để kịp vận chuyển lên xe. Ông Huỳnh Quang Ngọc (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho biết: Ông mua 9 sào keo này của hộ ông Đinh Bóp (làng Krắc) với giá 40 triệu đồng. Ông đang tìm thuê người thu hoạch, vận chuyển với tiền công lao động 150.000 đồng/ngày.

Cũng như hộ ông Đinh Bóp, anh Bliu vừa bán 8 sào keo, thu về hơn 20 triệu đồng. Trước đây, trên diện tích đất đồi dốc, bạc màu này, anh trồng lúa rẫy, nhưng mỗi năm thu hoạch chỉ được vài bao. Từ năm 2016 đến nay, anh chuyển sang trồng keo. Tương tự, gia đình anh Pơn cũng vừa bán 1,6 ha, bỏ túi hơn 50 triệu đồng. Theo anh Pơn, đây là diện tích keo lai do gia đình tự trồng, còn 2 ha trồng theo dự án cũng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. “Thời gian đầu, cây keo còn nhỏ, mình tận dụng trồng lúa, mì để tăng thu nhập. Trồng keo chỉ tốn công đào hố, xuống giống và phát dọn, chăm sóc trong năm đầu tiên. So với trồng lúa rẫy thì trồng keo không chỉ cho thu nhập gấp 4-5 lần mà còn có vốn tích lũy”-anh Pơn phấn khởi nói.

Xã Đak Song có đến 80% số hộ dân tham gia trồng rừng để cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn
Xã Đak Song có đến 80% số hộ dân tham gia trồng rừng để cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn


Theo ông Huỳnh Văn Cư-Chủ tịch UBND xã Đak Song: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã có gần 1.000 ha được ngân sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xã có 4 làng với 480 hộ dân thì có đến 80% tham gia trồng rừng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng với diện tích lớn như: gia đình ông Đinh Gui trồng 17 ha; Đinh Ương, Đinh Roch trồng 10 ha; Đinh Dôm, Đinh Vố 7 ha… Bình quân 1 ha keo cho thu nhập 40-45 triệu đồng sau 5 năm. “Chúng tôi xác định phát triển kinh tế từ trồng rừng sẽ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định và là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Thời gian qua, bà con cũng dần thấy được hiệu quả nên tích cực đăng ký tham gia trồng rừng, tích lũy thu nhập lâu dài”-Chủ tịch UBND xã Đak Song cho hay.

Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến

Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực đăng ký trồng rừng sản xuất, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro còn tiến hành rà soát diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để thu hồi, chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng giai đoạn 2021-2025. Ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết: Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 1.156 ha rừng, tăng 52,2% so với kế hoạch tỉnh giao năm 2021. Trong đó, các xã trồng 616 ha, các đơn vị chủ rừng trồng hơn 540 ha. Đơn vị tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2022 với diện tích dự kiến hơn 1.000 ha rừng tập trung; đồng thời triển khai cho người dân kê khai vị trí, diện tích nương rẫy đang sản xuất nông-lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp để chuyển sang trồng cây phù hợp. “Hạt Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các xã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền chủ trương trồng rừng. Nhờ đó, chỉ tiêu trồng rừng của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao”-ông Trần Hùng Anh khẳng định.

 Xã Đak Song có đến 80% số hộ dân tham gia trồng rừng để cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo các hộ dân tham gia dự án trồng rừng, so với trồng lúa rẫy thì trồng keo cho thu nhập gấp 4-5 lần. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Từ năm 2017 đến 2020, Kông Chro là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chỉ tiêu trồng rừng, hàng năm đều vượt kế hoạch. Đến nay, toàn huyện trồng hơn 5.300 ha rừng. Mô hình này bước đầu phát huy tác dụng, bà con được trồng rừng trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp, được giữ lại 30% diện tích để canh tác nông nghiệp theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện vận động người dân đăng ký trồng 2.100 ha rừng, đồng thời vận động, khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị, thu nhập.

Theo ông Ẩn, huyện đã chủ động làm việc với các sở, ngành của tỉnh nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn. Với vùng nguyên liệu rừng trồng sẵn có, nếu có nhà máy hỗ trợ tiêu thụ tại chỗ thì bà con sẽ phấn khởi và duy trì, phát triển diện tích trồng rừng ngày một bền vững. “Hiện doanh nghiệp đang khảo sát, thống nhất kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng; đồng thời chờ quyết định chủ trương của UBND tỉnh để tiến hành xây dựng nhà máy vào năm 2022. Chúng tôi hy vọng dự án này sớm đi vào hoạt động, đảm bảo đầu ra để bà con trồng rừng yên tâm hơn”-ông Ẩn kỳ vọng.

 

MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.