Kon Tum: Thủy điện tích nước "vô lối" gây ngập bàn thờ nhà dân, bị cô lập dân hoang mang, bất bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cà phê chín đỏ cành, cao su đang mùa thu hoạch....nhưng dân không thể vào rẫy thu hái do nhà máy thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tự ý tích nước vận hành gây ngập nặng. Dân nhiều lần ý kiến, chính quyền vào cuộc nhưng thủy điện vẫn tích nước gây ngập lụt khiến dân hoang mang, lo lắng.

Hơn 300 ha cây công nghiệp và ăn quả của dân bị cô lập vì thủy điện Plei Kần chặn dòng
Hơn 300 ha cây công nghiệp và ăn quả của dân bị cô lập vì thủy điện Plei Kần chặn dòng


Thủy điện tích nước...gần ngập bàn thờ

Ông Trần Hùng Tuấn (trú ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), có 5 ha đất rẫy ở thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô bức xúc nói: "Thủy điện bất ngờ tích nước khiến người dân trở tay không kịp. Ban đầu cứ nghĩ nước dâng lên theo mực nước chết đã đo đạc trước đó, nhưng gần nửa tháng nay thủy điện tích nước khiến nước dâng lên cao, có lúc đến 3 mét. Trong nhà tôi, nước dâng lên đến cả bàn thờ, ngập cả ổ điện. Nếu ngủ quên không phát hiện có nước ngập vào nhà thì nguy hiểm khôn lường".

Theo ông Tuấn, diện tích đất của ông bị ngập khoảng 5 sào. Trong đó, có nhiều loại cây trồng bị ngập nước đã bắt đầu rụng lá, chết cành, chết cây. Đặc biệt, ao nuôi cá trắm, cá chép toàn con to của ông đã trôi theo dòng nước. Ước tính nhà ông Tuấn thiệt hại 700-800 triệu đồng.

Thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tự ý tích nước khiến nhiều cây trồng, tài sản của dân ngập chìm trong nước. Người dân khốn khổ, sống cảnh nguy hiểm bởi thủy điện tích nước.
Thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tự ý tích nước khiến nhiều cây trồng, tài sản của dân ngập chìm trong nước. Người dân khốn khổ, sống cảnh nguy hiểm bởi thủy điện tích nước.


Ông Phạm Trung Thê (thôn Đắk Rế, xã Đắk Rơ) nói: "Dân chúng tôi phản ứng thì được phía thủy điện trả lời "do ca trực ngủ quên" nên nước mới ngập sâu. Thế nhưng hôm sau nữa, nước lại ngập sâu hơn hôm trước. Thử hỏi, dân chúng tôi ở trong khu vực lòng hồ thủy điện mà họ nói như vậy thì tính mạng của người dân chúng tôi phải làm sao. Con đường vào khu sản xuất dân bỏ 200-300 triệu đồng ra làm nay cũng bị nước nhấn chìm, hư hỏng...Chúng tôi biết sống ra sao trong tình trạng nguy hiểm này???".

Cuối tháng 5/2020, tại Thủy điện Plei Kần xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) của Công ty Cổ phần Tấn Phát đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Tại đây, cáp cần cẩu đứt khiến 6 người rơi từ trên cao xuống làm 3 người chết và 3 người bị thương. Liên quan vụ việc này, cơ quan công an tỉnh Kon Tum vẫn đang thụ lý hồ sơ, điều tra do đơn vị này có sử dụng lao động trẻ vị thành niên khiến tử vong trong vụ tai nạn.

Trong khi sự việc "bê bối" sử dụng lao động trẻ em chưa yên ắng, gần 1 tháng nay, hơn 100 hộ dân của 2 huyện Đắk Tô và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum lại dấy lên bức xúc, lo âu vì thủy điện tự ý tích nước. Trước đó, năm 2018, hàng trăm người dân ở huyện Ngọc Hồi lập rào chắn ngăn cản công ty này thi công nhà máy thủy điện do giải quyết đền bù chưa ổn thỏa.

Theo người dân phản ánh, đến thời điểm hiện tại nhà máy thủy điện vẫn chưa cho người đến kiểm tra, kiểm đếm thiệt hại để đền bù cho dân.

Nghiêm trọng nhất là việc thủy điện tích nước để vận hành khiến con đường dân sinh vào khu sản xuất chìm trong biển nước. Hơn 300 ha đất trồng cà phê, cao su… của 60 hộ dân bị cô lập, dân không thể vào vườn rẫy thu hái cà phê, cạo mủ cao su được.

Từ hơn 10 năm trước ở đây không hề có chuyện ngập nước, nhưng từ khi có nhà máy thủy điện làm ở đây thì mùa mưa dân năm nào cũng khổ sở, điêu đứng.

"Lâu nay, dân chúng tôi nhiều lần làm đơn khiếu nại lên xã, huyện rồi lên cả tỉnh. Phía công ty lần nào cũng hứa xem xét đề bù nhưng chỉ hứa suông thôi. Giờ đường vào khu đất sản xuất đã ngập, từ việc thu hoạch đến bón phân cho cây trồng đều không làm được. Ngay cả việc đi vào khu sản xuất cũng không xong vì nước ngập. Rồi đêm hôm gặp cảnh thủy điện tích nước, nước dâng cao đột ngột rồi tính mạng người dân chúng tôi không biết dày mỏng thế nào...", ông Thê nói.

Hơn 300 ha cây công nghiệp và ăn quả của dân đến mùa thu hoạch nhưng không thể thu hái vì thủy điện Plei Kần chặn dòng, gây cô lập.
Hơn 300 ha cây công nghiệp và ăn quả của dân đến mùa thu hoạch nhưng không thể thu hái vì thủy điện Plei Kần chặn dòng, gây cô lập.


Chung tình cảnh như nhiều nông dân khác, anh Trần Trung Thảo (tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) lo lắng nói: "Tôi có 12 ha đất trồng cây cà phê và cao su trong khu đất sản xuất bị cô lập. Hiện cà phê đã đến mùa thu hoạch, chín đỏ cả cây. Cao su cũng đang vào mùa thu hoạch nhưng cả tháng nay tôi không thể vào rẫy vì nước thủy điện gây ngập. Chỉ riêng cao su, trước đây mỗi ngày cạo mủ được 1 triệu đồng nhưng gần tháng nay không làm gì được. Thiệt hại cho gia đình tôi vô cùng lớn, nếu trong vài ngày tới không vào thu hoạch, cà phê cũng có nguy cơ mất trắng".


Theo ghi nhận của PV Dân Việt, việc thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tích nước đã gây ngập trên diện rộng, nhiều cây trồng đã có dấu hiệu héo úa, chết do chìm lâu trong nước. Tại con đường dân sinh vào khu sản xuất hơn 300 ha, con đường bị ngập sâu. Một số hộ dân vì mưu sinh, tiếc của nên liều mình dùng bè tre bơi qua khu sản xuất đưa từng gói nông sản về.

Anh Vi Văn Huy, thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum liều mình đưa bè tre bơi qua vùng ngập do thủy điện Plei Kần tích nước để đưa mủ cao su về.
Anh Vi Văn Huy, thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum liều mình đưa bè tre bơi qua vùng ngập do thủy điện Plei Kần tích nước để đưa mủ cao su về.



Anh Vi Văn Huy (thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết: "Thủy điện tích nước gây ngập như thế này ai đi được đâu. Do cao su tôi đã cạo mủ trước đó rồi nên làm liều kéo bè bơi qua vùng ngập để đưa mủ về, bỏ thì tiếc".

Nói về việc thủy điện Plei Kần tích nước, ông Lâm Thế Hiển – Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Nga (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cũng tỏ ra bức xúc: "Từ nửa cuối tháng 9, xã đã nhận được nhiều phản ánh của dân về việc thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập lụt, ảnh hưởng hoa màu và đường sá của dân. Xã đã kiểm tra phản ánh của dân đúng sự thật. Sau đó, xã đã có giấy mời công ty về làm việc, giải quyết khiếu nại của dân và yêu cầu dừng ngay việc tích nước. Phía công ty đã có cam kết đủ thứ nhưng chỉ thấy hứa suông, không thấy làm gì cho dân. Ngay cả việc họ tự ý tích nước cũng không thông báo cho xã biết".

Nhà và cây trồng của ông Trần Hùng Tuấn ngập trong nước, thiệt hại ước tính 800 triệu đồng.
Nhà và cây trồng của ông Trần Hùng Tuấn ngập trong nước, thiệt hại ước tính 800 triệu đồng.


Cụ thể, ngày 23/9, UBND xã Đắk Rơ Nga đã có văn bản gửi trực tiếp Công ty CP Tấn Phát thông báo việc đơn vị tự ý cho tích nước gây thiệt hại ngập hoa màu và ngập đường đi vào khu sản xuất của dân. Qua đó, yêu cầu công ty ngừng ngay việc tích nước và khẩn trương phối hợp với địa phương để lên phương án khắc phục.

Đến ngày 5/10, xã tiếp tục mời và làm việc với đại diện của công ty và được công ty cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu của người dân, chính quyền địa phương. Thế nhưng, ngay sau đó nhà máy thủy điện Plei Kần lại tự ý tích nước càng gây hoang mang và thiệt hại nặng nề cho người dân.

Cây hồ tiêu của gia đình ông Trần Hùng Tuấn - thôn Đắk Dế bị ngập, lá úa vàng và bắt đầu rụng lá, trái.
Cây hồ tiêu của gia đình ông Trần Hùng Tuấn - thôn Đắk Dế bị ngập, lá úa vàng và bắt đầu rụng lá, trái.


Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) cho hay, sự việc này huyện đã nắm bắt thông tin và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, bồi thường cho dân. Họ cam kết trong tuần này sẽ hoàn tất bồi thường. Đối với đường bị ngập, họ hứa sẽ chờ nắng lên mới làm đường vào khu sản xuất của dân.

Ông Hải khẳng định, đến thời điểm hiện tại nhà máy thủy điện Plei Kần chưa được cơ quan chức năng cho phép tích nước.


Theo Lê Kiến (Dân Việt)

https://danviet.vn/kon-tum-thuy-dien-tich-nuoc-vo-loi-gay-ngap-ban-tho-nha-dan-bi-co-lap-dan-hoang-mang-bat-binh-20201022153716164.htm

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.