Kon Tum: Phê duyệt Đề án phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tầm nhìn năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc phê duyệt Đề án phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tầm nhìn năm 2030 là bước quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kon Tum.
Thác Pa Sỹ, Kon Tum. (Nguồn: Vietnam+)

Thác Pa Sỹ, Kon Tum. (Nguồn: Vietnam+)

Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp và văn hóa-lịch sử; tập trung đầu tư Khu Du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.

Đến năm 2030, hoàn thiện 5 sản phẩm du lịch chính: Sinh thái, văn hóa-lịch sử, nghỉ dưỡng, cộng đồng và du lịch chuyên đề.

Đây là những mục tiêu được đề ra trong Đề án phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Kon Tum vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND phê duyệt ngày 26/8.

Việc phê duyệt Đề án là bước quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Quan điểm phát triển du lịch của Kon Tum là phát huy tối đa tiềm năng tự nhiên và văn hóa, tăng tính hấp dẫn và trải nghiệm cho du khách; có lộ trình phù hợp; có trọng tâm, trọng điểm để phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Về giải pháp, tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức lại không gian phát triển du lịch thành 4 khu vực chính, bao gồm: Khu vực thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và các huyện, thành phố của tỉnh; Khu vực trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi-Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y); Khu vực trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và Khu du lịch Măng Đen); Khu vực Ngọc Linh (huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông) và các khu vực (gồm các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô). Mỗi khu vực sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Một góc nhà thờ gỗ Kon Tum. (Nguồn: Vietnam+)

Một góc nhà thờ gỗ Kon Tum. (Nguồn: Vietnam+)

Tỉnh xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; hình thành các tour, tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng cao, gắn kết các loại hình dịch vụ du lịch với các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch cộng đồng, các điểm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sinh thái rừng.

Đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và chỉnh trang cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú nói riêng để tăng chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay gắn với tour, tuyến du lịch. Khuyến khích đầu tư, cải tạo nâng cao tiêu chuẩn, phát triển loại hình dịch vụ ẩm thực đặc sắc, khai thác món ăn truyền thống và đặc sản địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, bao gồm việc đầu tư xây dựng khu vực phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực và các khu vui chơi giải trí trong các khu, điểm du lịch.

Cùng với việc xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp với từng thị trường trọng điểm, tỉnh Kon Tum tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực và kinh nghiệm để góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh; rà soát, phân loại trình độ nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực du lịch để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Là một thành phố đầy tiềm năng và được thiên nhiên ưu ái, sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp, Kon Tum ngày càng thu hút lượng du khách lớn đến với vùng đất huyền sử giữa Tây Nguyên hùng vĩ.

Nằm ở độ cao trung bình 500-700m, Kon Tum được coi là Đà Lạt thứ hai với khí hậu trong lành mát mẻ, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng như rừng, núi, sông, suối, thác và hệ thảm thực vật phong phú.

Kon Tum còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp như khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hay khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh… Hơn nữa, địa hình của Kon Tum chủ yếu là đồi núi ngắn, dốc, hoang sơ tự nhiên, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, leo núi, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng.

Các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp Quốc gia cùng những công trình, di tích kiến trúc văn hoá, nghệ thuật như Nhà thờ gỗ, Chùa Bác Ái, Tòa giám mục… cũng trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng.

Cộng đồng người dân tộc thiểu số (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trình diễn cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Cộng đồng người dân tộc thiểu số (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trình diễn cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Không chỉ sở hữu ưu thế về vẻ đẹp thiên nhiên và di tích lịch sử, Kon Tum còn có nền văn hóa phong phú, độc đáo. Hơn 30 dân tộc cùng sinh sống với những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng đã tạo nên giá trị văn hóa dân gian truyền thống đa dạng, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Một trong những điểm hấp dẫn của Kon Tum là nếp nhà sàn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được các thế hệ gìn giữ nhằm bảo tồn những giá trị cội nguồn mà cha ông để lại.

Kon Tum còn khiến khách thập phương say mê bởi hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo mang bản sắc đặc thù như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, chạm khắc, hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời cùng những đặc sắc trong văn hoá đồng bào dân tộc, văn hóa cồng chiêng và cảnh sắc được thiên nhiên ban tặng, Kon Tum dần bộc lộ vẻ đẹp tiềm ẩn và trở thành điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn đối với du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Kon Tum đạt trên 1,5 triệu lượt người, tổng doanh thu đạt gần 427 tỷ đồng.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.