Kon Tum: Phát dọn rẫy, người dân phát hiện cá thể tê tê quý hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong lúc phát dọn thực bì vườn rẫy, một người dân ở Kon Tum đã phát hiện một cá thể tê tê quý hiếm, sau đó giao nộp cho cơ quan chức năng.
 


Ngày 3/6, ông Đào Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái (thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum) xác nhận, đơn vị vừa tiếp nhận và chăm sóc 1 cá thể tê tê Java từ Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Được biết, cá thể tê tê này được ông Nguyễn Văn Phi (trú thôn 1, xã Đăk Cấm, TP Kon Tum) phát hiện trong lúc phát dọn thực bì vườn rẫy của gia đình. Ông Phi nhận thấy đây là loài quý hiếm, không được phép tự ý nuôi nhốt nên đã trình báo và giao nộp cho Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum.

 

Cá thể tê tê quý hiếm được Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái chăm sóc. Ảnh: CTV
Cá thể tê tê quý hiếm được Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái chăm sóc. Ảnh: CTV

Khi giao nộp, cá thể tê tê Java còn sống, sức khỏe bình thường, tổng khối lượng đạt 2,8kg. Đây là cá thể đực.

Nhận thấy điều kiện chăm sóc không đảm bảo sau khi tiếp nhận từ người dân, Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum đã làm thủ tục và tổ chức bàn giao cá thể tê tê này cho Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái (thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum) chăm sóc trước khi thả về tự nhiên.

 

Cá thể tê tê Java khi giao nộp ở tình trạng còn sống, sức khỏe bình thường, tổng khối lượng đạt 2,8kg. Ảnh: CTV
Cá thể tê tê Java khi giao nộp ở tình trạng còn sống, sức khỏe bình thường, tổng khối lượng đạt 2,8kg. Ảnh: CTV


Cá thể tê tê Java có tên khoa học là Manis Javanica, thuộc loài động vật rừng nhóm IB, nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ.

Đây cũng là loài động vật rừng nguy cấp trên toàn cầu, nằm trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế và cũng là một trong những loài động vật có vú bị khai thác nhiều nhất ở Đông Nam Á, thường bị săn bắt để tiêu thụ trong nước và buôn bán sang nước ngoài để làm thịt và thuốc đông y. Ngoài ra, loài này còn bị đe dọa bởi suy thoái môi trường sống.

https://danviet.vn/kon-tum-phat-don-ray-nguoi-dan-phat-hien-ca-the-te-te-quy-hiem-20220603150800726.htm

 

Theo Hoàng Lộc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm