Kon Tum: Dự án trồng rừng tiền tỷ nhưng không thành rừng, còn mỗi 1 cây thông cô đơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt 2 dự án trồng rừng, nhưng sau hơn 7 năm rừng dự án không thấy đâu, chỉ còn mỗi 1 cây thông cô đơn. Sự việc gây thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng, cảnh quan dọc quốc lộ 24 trọc trụi… trong khi trách nhiệm "trồng rừng không thành rừng" không có ai nhận.
Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông triển khai dự án trồng rừng nhưng không thành rừng
Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông triển khai dự án trồng rừng nhưng không thành rừng
Dự án trồng rừng "chôn tiền" xuống đất
Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum ra 2 quyết định "phê duyệt dự án trồng rừng thay thế" gồm 100 ha và 63 ha tại 5 tiểu khu 434, 437, 438, 438, 439 và 440 ở xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) dọc theo quốc lộ 24. Dự án do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (Công ty Lâm nghiệp Kon Plông) làm chủ đầu tư, thời gian triển khai từ năm 2014-2017.
Theo quyết định trên, dự toán ban đầu đối với dự án trồng 100 ha rừng có kinh phí đầu tư gần 4,4 tỷ đồng, trong đó: Chi phí trực tiếp về giống, phân bón, nhân công hơn 3,1 tỷ; chi phí quản lý 77 triệu đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 288 triệu. Với dự án trồng 63 ha rừng có kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng. Tổng 2 dự án hơn 7,1 tỷ đồng, chủng loại cây trồng là thông.
Mục tiêu của dự án nhằm thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác, tạo cảnh quan môi trường dọc tuyến quốc lộ 24. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng dự án.
Ngay trong năm 2014, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã ký cam kết trồng rừng với gần 200 hộ dân ở xã Pờ Ê và xã Hiếu tiếp giáp. Kết quả nghiệm thu ban đầu trồng được hơn 104 ha rừng so với thiết kế ban đầu, mật độ cây trồng sống là 1.020 cây/ha, đạt 93%. Chi phí đã triển khai hơn 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng triển khai trồng rừng, đoàn liên ngành kiểm tra lại phát hiện số cây sống chỉ còn khoảng 10-30%, có nơi cây chết 100%. Theo Công ty Lâm nghiệp Kon Plông xác nhận, nguyên nhân cây rừng chết là do bị trâu, bò dẫm đạp và một phần dó các hộ dân làm ảnh hưởng.
Năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông tiến hành trồng dặm trên diện tích rừng đã chết với diện tích 80,96 ha/104 ha, mật độ 670 cây/ha, đạt 60,9% so với thiết kế. Số tiền trồng dặm lần này hơn 174 triệu đồng. Qua 2 đợt trồng và dặm, nguồn kinh phí đều lấy nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, rừng trồng vẫn tiếp tục chết.

Dọc quốc lộ 24, 1 cây thông dự án còn sót lại khá xanh tốt. Ảnh: Lê Kiến.
Dọc quốc lộ 24, 1 cây thông dự án còn sót lại khá xanh tốt. Ảnh: Lê Kiến.
Năm 2016, trước tình trạng "trồng bao nhiêu chết bấy nhiêu", Công ty Lâm nghiệp Kon Plông tham mưu UBND tỉnh Kon Tum về việc cho dừng dự án trồng rừng vì cho rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi. Từ đó đến nay dự án đã dừng hẳn, thế nhưng "món nợ" trồng rừng vẫn còn dai dẳng và trong đó, một phần đè nặng trên vai người dân.
Theo quan sát của PV, hiện trạng khu vực dự án rừng trồng dọc tuyến quốc lộ 24 (đoạn qua địa bàn xã Pờ Ê) hiện nay trống trơn, không có bóng dáng rừng trồng như mục đích ban đầu là tạo cảnh quan môi trường dọc quốc lộ 24. Thay vào đó, những quả đồi được người dân trồng cây mì, hiếm hoi chỉ còn 1 cây thông còn sống.
Rừng chết, tiền hết và trách nhiệm thuộc về ai?
Mới đây, trao đổi với Dân Việt, ông Văn Đăng Thái – Trưởng Phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Công ty Lâm nghiệp Kon Plông) xác nhận: "Diện tích dự án trồng rừng đến nay đã thiệt hại hết" và trong dự án này, công ty đã làm hết trách nhiệm.
Theo ông Thái, diện tích đã thực hiện dự án trồng rừng là hơn 100 ha (trong năm 2014 và 2015) trong tổng số 163 ha mà UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt. Tổng kinh phí đã đầu tư là gần 1,5 tỷ đồng. Kế toán của công ty cũng xác nhận thêm: Để bù vào số tiền gần 1,5 tỷ đã triển khai này, công ty đã thu hồi từ người dân 112 triệu đồng và còn số tiền mà công ty phải gánh là hơn 1,3 tỷ đồng.
Lý giải về việc thu tiền từ người dân để trừ cho chi phí trồng rừng thất bại, ông Thái nói: Người dân cam kết trồng rừng, nhưng lại chăn thả gia súc, thu hoạch sản phẩm trên đất gây chết cây rừng nên phải hoàn trả tiền đã nhận đầu tư theo cam kết. Tuy nhiên, sau nhiều năm "đòi nợ", gần 200 hộ dân chỉ trả lại được 112 triệu đồng, còn lại không có khả năng chi trả.

Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến dự án thất bại là do người dân không đồng tình, cố tình chăn thả gia súc và trồng nông sản ảnh hưởng. Ảnh: Lê Kiến.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến dự án thất bại là do người dân không đồng tình, cố tình chăn thả gia súc và trồng nông sản ảnh hưởng. Ảnh: Lê Kiến.
Làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc trồng rừng không thành rừng này, năm 2016 Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh Kon Tum và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum, khẳng định "đã làm hết trách nhiệm". Còn nguyên nhân của việc "trồng rừng không thành rừng" là do yếu tố khách quan. Cụ thể là do người dân không đồng tình, cố tình chăn thả gia súc và canh tác cây mì làm giảm mật độ cây trồng. Trong khi đó, không một đơn vị, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vì để dự án thất bại, thất thoát tiền tỷ.
Để giải quyết khoảng tiền thâm hụt gần 1,5 tỷ đồng này, Công ty Lâm Nghiệp Kon Plông đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét cho phép công ty sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng để bù đắp. Liệu việc dùng tiền dịch vụ môi trường rừng để bù trừ cho chi phí dự án rừng thất bại có đúng quy định pháp luật, nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, thời điểm thực hiện và triển khai dự án này do ông Vũ Văn Bắc – nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kon Plông quản lý. Hiện tại, Công ty đã thay thế giám đốc mới, ông Bắc đã được điều chuyển về làm Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.