Kính viễn vọng mặt trăng có thể tiết lộ "thời kỳ đen tối" của vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học muốn xây dựng kính viễn vọng vô tuyến ở trên mặt trăng, nhằm khám phá những bí ẩn về sự khởi đầu của vũ trụ, CNN đưa tin.
 
Hình minh họa phối cảnh từ bên trong kính thiên văn vô tuyến miệng núi lửa mặt trăng. Ảnh: NASA
Hình minh họa phối cảnh từ bên trong kính thiên văn vô tuyến miệng núi lửa mặt trăng. Ảnh: NASA
Mặc dù không phải là một sứ mệnh chính thức đầy đủ của NASA, nhưng khái niệm về Kính viễn vọng Vô tuyến Miệng núi lửa Mặt trăng (LCRT), đã phát triển trong nhiều năm. Dự án gần đây nhận được thêm 500.000 USD khi bước vào giai đoạn thứ hai của chương trình Các khái niệm nâng cao đổi mới của NASA.
Kính thiên văn có thể đo sóng vô tuyến từ "thời kỳ đen tối" của vũ trụ - khoảng 150 triệu tới 800 triệu năm sau khi xảy ra Bigbang (Vụ nổ lớn), là khoảng thời gian mà vũ trụ đang hình thành, những ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện - và nó sẽ tiết lộ những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó.
Joseph Lazio - thành viên nhóm LCRT và là nhà thiên văn học vô tuyến của NASA - cho biết: "Với một kính viễn vọng vô tuyến đủ lớn ngoài Trái đất, chúng tôi có thể theo dõi các quá trình dẫn đến sự hình thành của những ngôi sao đầu tiên, thậm chí có thể tìm ra manh mối về bản chất của vật chất tối".
 
Hình minh họa Kính viễn vọng Vô tuyến Miệng núi lửa Mặt trăng. Ảnh: NASA
Hình minh họa Kính viễn vọng Vô tuyến Miệng núi lửa Mặt trăng. Ảnh: NASA
Sử dụng kính viễn vọng vô tuyến trên Trái đất, các nhà khoa học không thể đánh giá sóng vô tuyến từ thời đại vũ trụ này vì kính viễn vọng bị tầng điện ly chặn. Đây là tầng có các hạt mang điện trong tầng khí quyển của Trái đất. Trái đất cũng chứa phát xạ vô tuyến nên có thể ngăn chặn các tín hiệu mờ nhạt mà thiên văn học vô tuyến theo dõi.
Trong khi đó, mặt trăng không có bầu khí quyển và hoàn toàn yên tĩnh nên có thể ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp vô tuyến nào từ Trái đất.
 
Robot sẽ chế tạo kính thiên văn miệng núi lửa. Ảnh: NASA
Robot sẽ chế tạo kính thiên văn miệng núi lửa. Ảnh: NASA
Saptarshi Bandyopadhyay - Trưởng nhóm nghiên cứu của LCRT và nhà công nghệ robot tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) nói rằng: "Nhưng những ý tưởng trước đây về việc xây dựng một ăng-ten vô tuyến trên mặt trăng rất tốn tài nguyên và phức tạp, vì vậy chúng tôi buộc phải nghĩ ra một cái gì đó khác biệt".
Bandyopadhyay và nhóm LCRT đang nghiên cứu một thiết kế cơ bản của kính viễn vọng mà không yêu cầu vận chuyển thiết bị nặng lên mặt trăng. Họ dự định sử dụng robot để lắp đặt hệ thống kính viễn vọng vô tuyến trên mặt trăng.
Khoản tài trợ mới nhất sẽ giúp nhóm xác định các thách thức, đặt ra mục tiêu về các cách tiếp cận khác nhau với sứ mệnh và xác định khả năng của dự án.
NGUYỄN HẠNH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm