Kinh tế tư nhân - động lực của tăng trưởng trong năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kinh tế tư nhân - động lực của tăng trưởng trong năm 2020 ảnh 1

 
Sân bay quốc tế Vân Đồn là kỳ tích của kinh tế tư nhân trong năm qua. Ảnh: P.V
Ngay từ đầu năm, các tổ chức kinh tế đều dự báo, kinh tế tư nhân sẽ là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Theo đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam sẽ không quá chú trọng các giải pháp mang tính kích cầu từ chính sách tiền tệ và tài khóa. Thay vào đó, các cải cách về phía cung như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng đỡ khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, sẽ được chú trọng.
“Trong bối cảnh tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước thấp và tăng trưởng của khu vực FDI có thể sẽ chững lại trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ, nâng đỡ khu vực kinh tế tư nhân. Đây được xem là động lực tăng trưởng quan trọng cho giai đoạn phát triển kế tiếp của Việt Nam”, BVSC đánh giá.
Còn Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2019 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng nhận định: Trong bối cảnh không ít rủi ro trong nước lẫn bên ngoài, việc phát triển khu vực tư nhân cần được ưu tiên để giảm thiểu rủi ro.
Năm 2019 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân. Sự dũng cảm đầu tư có chọn lọc của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo nên thành công trong các lĩnh vực kinh tế như du lịch, sản xuất ôtô, hàng không, viễn thông… Khối kinh tế tư nhân đã đóng góp 40% GDP của nền kinh tế và còn đang tiếp tục tăng lên. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể nhờ những Tập đoàn kinh tế tư nhân như Vingroup, Sun Group, Vinamilk, Viettel...
Đặc biệt, hàng loạt giải thưởng danh giá đã được World Travel Awards trao cho các công trình du lịch, nghỉ dưỡng do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại Sa Pa, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Có thể nói, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong năm 2019 (với mức tăng trưởng trên 7% và lạm phát dưới 3%) là cơ sở để chúng ta lạc quan vào triển vọng kinh tế năm 2020. Theo đó, khối kinh tế tư nhân có thể được thụ hưởng lợi ích từ những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Đồng thời, các chính sách kinh tế của nhà nước hiện cũng rất chú trọng nâng đỡ khu vực kinh tế này nhờ sự tăng trưởng ổn định và dư địa tăng trưởng còn nhiều.
Theo các chuyên gia, để tạo sức bật cho kinh tế tư nhân, hệ thống thể chế phải đồng bộ, minh bạch... tránh tình trạng vừa ban hành luật rồi lại sửa. Hiện, mỗi năm có khoảng hơn 120.000 doanh nghiệp mới được thành lập với phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có đủ tiềm lực vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư quy mô lớn hơn.
“Những nỗ lực nội tại của khối doanh nghiệp tư nhân cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ đã mang đến cho chúng ta những dự cảm tươi sáng về sự phát triển của khu vực này trong năm mới 2020. Chúng tôi tin rằng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn bứt phá mạnh hơn nữa, để thực sự trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế”, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group chia sẻ.
Mai An (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.