(GLO)- Từ khi thực hiện việc đổi mới trong thi cử, nhất là tại kỳ thi THPT Quốc gia như: áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở các môn (trừ Ngữ văn), giao cho địa phương tổ chức coi thi và chấm thi với sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhìn chung công tác thi cử có phần giảm nhẹ, bớt áp lực cho thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, dù quy trình tổ chức thi có chặt chẽ đến mức tối đa cũng không thể lường hết được những tiêu cực muôn hình vạn trạng…
Ông Mai Văn Trinh-Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cùng các lãnh đạo tỉnh Hà Giang chủ trì buổi họp báo. (Ảnh nguồn: LĐO) |
Vụ việc sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang mới đây đã gây chấn động trong cả nước khiến ngành GD-ĐT lại một phen bàng hoàng vì đối tượng là người trong ngành sử dụng công nghệ để qua mặt tất cả sự giám sát, làm nên “kỳ tích” có một không hai trong thi cử. Rất may, khi phát hiện điều bất thường, Bộ GD-ĐT đã kịp thời vào cuộc, phối hợp với địa phương và ngành chức năng tìm ra manh mối, nhanh chóng thẩm định để trả lời trước công luận, đồng thời trả lại sự công bằng cho các thí sinh.
Chiều 17-7, ông Mai Văn Trinh-Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm tra chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã công bố với báo chí: Bước đầu xác định được đối tượng gian dối trong việc sửa điểm thi của thí sinh ở địa phương này. Đó là ông Vũ Trọng Lương-Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang). Ông Lương đã lợi dụng chức trách được phân công, sử dụng công nghệ can thiệp vào kết quả 330 bài thi của 114 thí sinh ở nhiều môn thi; các bài thi có độ chênh so với chấm thẩm định từ 1 đến 9,5 điểm. Qua công tác điều tra ban đầu, ngành chức năng phát hiện các tin nhắn vào máy ông Lương khá “nhạy cảm” nhưng chưa xác định được động cơ, mục đích việc làm tiêu cực của ông này, cũng như chưa phát hiện ai tiếp tay cho hành động man trá trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang.
Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận quy trình giám sát của cán bộ Thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ; trong đó nhiều cán bộ chưa nắm đầy đủ quy trình, thao tác và chủ quan nên đã tạo ra kẽ hở cho phần tử xấu thừa cơ qua mặt, gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp cùng Bộ GD-ĐT điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời qua đó, rút kinh nghiệm hoàn chỉnh các quy trình tổ chức thi cử một cách chặt chẽ, khoa học, công bằng và minh bạch hơn nữa.
Từ vụ việc này, có nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT cần rà soát một số địa phương có những dấu hiệu bất thường qua kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng như một vài năm trước để chấn chỉnh những thiếu sót trong thi cử. Một trong nhiều vấn đề nhằm đổi mới thi cử ở nước ta, trong đó có việc cải tiến công nghệ áp dụng trong các khâu từ việc lập ngân hàng đề thi đến coi thi, chấm thi ngày càng hiện đại và thuận lợi, nhưng vấn đề là ở con người thực thi công việc ấy có trung thực, liêm chính hay không. Đối với ngành GD-ĐT, đặc biệt là người thầy giáo không thể để tồn tại thói hư tật xấu, nhất là thói dối trá trong bất kỳ hành vi nào vì nó gây ra nhiều tai hại và để lại hậu quả khôn lường cho xã hội. Chúng ta đang phấn đấu cho nền giáo dục “học thật, thi thật” để đào tạo nên những con người có năng lực thực sự góp phần xây dựng đất nước phồn vinh. Vì thế, không thể với bất cứ lý do nào chúng ta lại đẩy thế hệ trẻ vào con đường gian dối để tiến thân một cách mờ ám, thiếu công bằng, minh bạch.
Tất nhiên, rồi đây, những ai làm sai, vi phạm quy chế thi cử hoặc tiếp tay cho hành vi tiêu cực sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc. Đây không chỉ là bài học cho Hà Giang trong công tác tổ chức thi cử mà còn là một kinh nghiệm sâu sắc cho các địa phương khác, cũng như toàn ngành GD-ĐT, trong việc tổ chức các kỳ thi quốc gia sau này.
Bùi Quang Vinh