Khởi sắc Đê Kôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi trở lại làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) vào một ngày đầu tháng 5. Con đường đến làng vẫn miên man dốc và đầy ổ gà, ổ voi. Tuy nhiên, so với 2 năm trước, làng đã có nhiều đổi khác, trường học được xây mới, có sóng điện thoại... tạo thêm động lực xây dựng cuộc sống mới cho bà con nơi đây.

Nhiều niềm vui mới

Để đến với làng Đê Kôn, chúng tôi phải mất hàng giờ vượt qua con dốc dài 3 km. Ngay đầu làng là điểm trường Đê Kôn (thuộc Trường Tiểu học Hà Ra số 2). Tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng cười rôm rả của các em học sinh khiến cho những vất vả suốt hành trình của chúng tôi tan biến.

 

Con đường duy nhất vào làng Đê Kôn thường xuyên bị trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa. Ảnh: P.L
Con đường duy nhất vào làng Đê Kôn thường xuyên bị trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa. Ảnh: P.L

Ở điểm trường này có 2 lớp ghép do thầy Đinh Văn Anh và thầy Nguyễn Huy Ba chủ nhiệm. Trước đây, ở vị trí này cũng từng có một điểm trường nhưng do xây dựng khá lâu và đã xuống cấp trầm trọng nên phải mượn nhà rông của làng cho các em học tạm. Nhưng nhà rông không có sân chơi, bàn ghế không phù hợp, dụng cụ học tập thiếu thốn nên ảnh hưởng khá lớn đến việc dạy và học.

Ngày 26-2-2018, một điểm trường mới được đầu tư theo Chương trình 135 với kinh phí hơn 800 triệu đồng gồm 2 phòng học, trang-thiết bị dạy học, nhà vệ sinh và sân chơi cho các em học sinh đã được khánh thành. Thầy Đinh Văn Anh tâm sự: “Tôi công tác ở đây đã được 3 năm. Từ khi điểm trường mới được xây dựng khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, việc học của các em không bị gián đoạn nữa, các em thích đến trường hơn, chất lượng dạy và học được nâng lên”. Em Yưh (lớp 4) tỏ ra vui mừng khi được hỏi về nơi học mới: “Có nơi học mới sạch sẽ với bàn ghế đẹp, em và các bạn rất thích đến lớp. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt và đến lớp đầy đủ”.

Thêm một niềm vui nữa đến với người dân nơi đây là có sóng điện thoại. Bao năm nay, mạng điện thoại được xem là thứ xa xỉ đối với bà con mặc dù điện lưới đã có từ hơn 10 năm trước. Người dân mua sắm điện thoại di động chỉ dùng để nghe nhạc, chơi trò chơi và muốn liên lạc với ai thì phải xuống tới tận chân núi. Giáo viên muốn biết thông báo của trường thì phải tranh thủ ghé vào điểm trường chính sau giờ tan lớp. Lãnh đạo xã muốn gửi thông báo, hội họp thì nhờ người đưa tin, hoặc phải trực tiếp đến làng. Tháng 2-2018, làng Đê Kôn đã được phủ sóng Viettel. Vừa dứt cuộc điện thoại với một người bạn, Trưởng thôn Klưnh vui mừng cho biết: “Từ khi có sóng điện thoại về làng, mọi việc trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Muốn tìm ai, cần việc gì thì gọi điện là được ngay, không còn vất vả như trước nữa”.

Mong lắm một con đường

Làng Đê Kôn có 49 hộ với 239 nhân khẩu, 100% là đồng bào Bahnar. Hiện trong làng có 20 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Vào làng thấy không khí khá yên ắng vì người dân còn bận đi làm rẫy hoặc làm thuê các nơi. Bên bậc cửa nhà sàn, vài người già đưa mắt nhìn khách lạ. “Ngoài các thầy-cô giáo bám điểm trường, cán bộ y tế ghé làng công tác thì thỉnh thoảng làng mới có khách, nên thấy anh chị thì bà con tò mò vậy thôi”-anh Klưnh cho biết.

Phải chăng con đường gian nan đã níu giữ cái nghèo nơi đây? Trời nắng đường đi đã khó; vào mùa mưa, nếu không có việc quan trọng, chẳng ai muốn lội con đường đầy bùn đất và trơn trượt để xuống núi. Do đó, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, giá bán cũng thấp hơn nhiều so với nơi khác. Thầy giáo Nguyễn Huy Ba bày tỏ: “Đây là con đường duy nhất để vào làng nên dù khó khăn mấy cũng phải vào với các em học sinh. Mùa nắng chúng tôi còn chạy xe được, chứ mùa mưa là phải đi sớm, bỏ xe dưới chân núi rồi đi bộ đến trường. Mong muốn của chúng tôi là có một con đường bê tông để việc dạy và học được thuận lợi hơn, người dân cũng sẽ đỡ khổ hơn, khi ốm đau có thể được đưa đến trạm y tế bằng xe máy thay vì khiêng cáng”.

Anh Phạm Văn Bình-Bí thư chi bộ làng Đê Kôn, chia sẻ: “Bên cạnh mong muốn có một con đường để đi lại thuận tiện hơn, bà con cũng đề nghị các cấp chính quyền đầu tư xây dựng, sửa chữa giọt nước cho làng. Bởi đường ống của giọt nước cũ do lắp đặt từ năm 2004 đến giờ đã bị hư hỏng, bà con muốn lấy nước phải đi 2-3 km rất vất vả”.

Chúng tôi rời làng để xuống núi vì trời đang tối dần. Những đám mây đen xuất hiện, dự báo trời có thể đổ mưa và con đường sẽ trở thành cái bẫy đối với những tay lái không quen đường. Trên đường quay về, chúng tôi thầm nghĩ: Mơ ước về một con đường bê tông cho bà con làng Đê Kôn không biết liệu có xa vời?

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm