Khoa học thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ở TP. Pleiku xuất hiện một ông thợ thiến heo rất nổi tiếng. Nhờ thiến heo mà ông giúp bao nhiêu gia đình cán bộ, công nhân viên thời ấy “duy trì và giữ vững” nghề tay trái là nuôi heo để...  an tâm công tác. Tìm hiểu kỹ mới biết ông thợ hoạn ấy là kỹ sư chăn nuôi thứ thiệt. Và ông không chỉ thiến heo, mà chữa heo, chó, bò, dê... đỡ đẻ động vật các loại...

Cũng nhờ việc thiến heo ấy mà ông có điều kiện để... làm thơ. Ông lấy rẻ hơn các ông thợ thiến tay ngang khác mà lại làm rất đúng bài bản nên uy tín cao. Đồ nghề thiến heo của ông có cả bông băng cồn, thậm chí thuốc tê thuốc giảm đau chứ không như các ông thợ thiến khác chỉ có dao và... nhọ nồi. Thi thoảng tôi đi phụ ông, kiếm được ít tiền là mua cái gì đấy, lai rai, nói chuyện thơ và ông làm rất nhiều thơ từ những cuộc lai rai gây cảm xúc với cánh nhà thơ nghèo chúng tôi thời ấy.

 

Kỹ sư Phạm Đức Long. Ảnh: văn công hùng
Kỹ sư Phạm Đức Long. Ảnh: Văn Công Hùng

Ông là kỹ sư, nhà thơ Phạm Đức Long-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Gia Lai.    

Giờ ông đã có 10 đầu sách văn chương, đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tưởng ông chí thú với văn chương đến cuối đời như kiểu “vui thú điền viên”, thì té ra ông lại đang trở lại với tư cách nhà khoa học, một nhà khoa học thứ thiệt, lặng lẽ âm thầm mà rất thiết thực với đời sống. Nói điều này bởi, tôi thấy bây giờ có rất nhiều đề tài “nghiên cứu khoa học” rất vô bổ, rất vô trách nhiệm và rất... thiếu tính khoa học.

Hôm rồi ghé nhà chơi, thấy vợ ông nhăn nhó: “Em vừa phải đền 30 triệu đồng tiền trứng”. Tôi ngạc nhiên: “Đền gì mà nhiều thế?”. Vợ ông giải thích: “Cái máy anh Long tự làm để ấp trứng nó quá tải lâu nay rồi, mà anh ấy xin nghỉ phép để làm cái mới lại không được, em cứ dấn, nhận ấp, thế là cái chốt nó bị gãy, vỡ mấy ngàn quả trứng, có cả trứng quý như đà điểu, công, trĩ... Thế là đền.

Kinh, một cái máy ấp trứng mà ấp một lần 10 ngàn quả trứng thì quả là kinh. Tôi lao xuống bếp nhà anh tìm hiểu...

Rồi anh cũng xin nghỉ phép được. Mang cái bản vẽ tự nhẩm trong đầu bao đêm đến nhờ một anh kỹ sư bách khoa thẩm định, anh này xem một hồi rồi thể hiện nó bằng một cái bản vẽ rất... trừu tượng và bảo cái này không thực hiện được.

Mang ý tưởng ấy đến gặp mấy ông thợ cơ khí nhờ thể hiện. 4 ông lắc, ông thứ 5 đồng ý nhận làm sau khi đòi ứng mấy triệu đồng. Nửa tháng sau kêu anh đến: Nhà cháu xin trả lại cho bác.

Thế thì... tự làm. Mua đồ từ khoan, đục, dùi, bào các loại. Bố làm phần cơ khí, con là kỹ sư điện tử bách khoa đảm nhận phần mềm điện và điện tử.

Từ ý tưởng khí hậu Gia Lai có đặc thù chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày đêm và các mùa, trong khi máy ấp ở TP. Hồ Chí Minh nhập về hiệu quả không cao và dựa trên cơ sở nhận cảm về nhiệt năng, ông Long tạm gọi là “Nguyên lý que diêm”, để thiết kế chế tạo máy ấp trứng quy mô 10.000 trứng, hiệu quả rất cao.

Nguyên lý que diêm có thể hiểu nôm na như sau: Trong một căn phòng đóng kín, đốt 1 que diêm 500 độ C, người ngồi trong phòng không cảm nhận được một sự thay đổi nào cả. Cũng căn phòng ấy, đặt một chậu lớn nước ấm 50 độ  C, người ngồi trong phòng sẽ toát mồ hôi, thậm chí ngạt nhiệt (dựa theo tính chất vật lý: nhiệt độ cao chưa chắc cho nhiệt lượng cao, nhưng nhiệt độ thấp có khi lại cho nhiệt lượng cao).  

Không kể dài dòng, bởi không bài báo nào chứa được dung lượng, chỉ biết, cơ sở ấp trứng các loại của ông Long giờ nổi tiếng khắp Gia Lai, thậm chí cả các tỉnh bạn. Nhiều người rủ ông hợp tác làm, nhưng nhà ông neo người, 2 con ở TP. Hồ Chí Minh, vợ vẫn đi làm, ông đương nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Gia Lai cũng việc ngập đầu, nên vẫn chỉ lìu tìu làm ở nhà.

Cái giỏi của ông là máy ấy có thể ấp liên tục. Và điểm đặc biệt nữa là nó được thiết kế theo kiểu 2 trong 1, máy ấp và máy nở cùng chung trong một máy.

 Thông thường người ta cho tất cả một mẻ vào rồi đúng ngày giờ đổ mẻ ấy ra, đằng này ông liên tục nhận hàng của khách, từ người chỉ có 2 quả trứng (công hoặc trĩ) đến cả vài trăm trứng vịt trời, sâm cầm, ngỗng, gà, vịt nhà... Được đà tiến lên, “rảnh rỗi sinh nông nổi”, ông tiếp tục sáng chế và tự chế tạo luôn các “phụ kiện” chăn nuôi.

Đấy là ông chế tạo tủ bảo quản thực phẩm khô, chống mốc không dùng hóa chất. Cũng xuất phát từ những đêm không ngủ, ông thấy ở Gia Lai mùa mưa độ ẩm rất cao, các thực phẩm khô rất dễ mốc, rất độc hại. Rồi lại nằm vân vi nghĩ mọi vật chất, nếu đưa ẩm độ bề mặt về dưới 15% nấm mốc sẽ không phát triển được (bào tử nấm mốc sẵn có mọi nơi trong không khí, gặp điều kiện nhiệt độ, ẩm độ phù hợp sẽ phát triển gây hư hại vật chất). Ẩm độ bình thường của không khí khoảng 70%-80%, là độ ẩm phù hợp cho nấm mốc xanh phát triển, ông Long đã tạo ra tủ bảo quản thực phẩm không mốc, trong điều kiện ẩm độ môi trường 60%-70%. Thế là lại mày mò đục đục khoan khoan ầm ĩ suốt ngày đêm ra cái tủ ấy.

Chưa hết, ông Long còn nghiên cứu chế tạo thành công máy sản xuất men thức ăn quy mô lớn, không lệ thuộc nhiệt độ, ẩm độ môi trường, không phụ thuộc thời tiết mùa vụ.

Men này có tác dụng kích thích tiêu hóa, cân bằng vi sinh vật đường ruột, phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa, nhanh lớn, thịt thơm ngon, giảm thiểu mùi hôi chuồng trại.

Lại vẫn chưa hết, ông chế tạo lò mùn cưa cải tiến, dựa trên nguyên lý lò cao: Hơi nóng từ dưới thấp trong lòng ống lò bay lên trên, tạo ra sự hút không khí thành dòng từ cửa lò lên miệng lò, ông Long đã thiết kế, chế tạo thành công lò đốt mùn cưa cải tiến. Thế lò cải tiến có ưu điểm gì? Giản dị thôi, với nguyên liệu mùn cưa (bỏ đi), lửa cháy tốt thành ngọn như ga. Mùn cưa cháy triệt để, cháy liên hoàn, không phải ngừng nấu để đóng lò tiếp liệu, vì vậy có thể đun liên tục trong nhiều ngày. Hiệu suất nhiệt cao, quy mô lò lớn.

Có thể sử dụng lò cải tiến để nấu cao, nấu bánh chưng, nấu bún phở, giết mổ gia súc…

 

Máy ấp trứng do kỹ sư Phạm Đức Long sáng chế. Ảnh: văn công hùng
Máy ấp trứng do kỹ sư Phạm Đức Long sáng chế. Ảnh: Văn Công Hùng

Nhưng lại vẫn chưa hết. Nằm nhìn cái lò ấp 10.000 trứng lừ lừ quay, lại thấy gia cầm ùn ùn bị H5 các loại, ông lại... lơ mơ hình dung ra thuốc cúm gia cầm từ thảo dược để thay thế kháng sinh hiện hành. Để làm được thuốc lại phải chế ra một số máy, công cụ phụ trợ, ví dụ: Máy khử ẩm bằng hiệu ứng nhà kính. Nguyên lý là, khi ánh sáng mặt trời đi vào một căn phòng trong suốt, ánh sáng đi qua, sẽ để nhiệt ở lại, không ra được, làm cho căn phòng nóng lên.

Máy này dùng để khử ẩm nguyên liệu, rút ẩm đến mức có thể xay nhỏ nguyên liệu thành bột.

Rồi từ đấy ông chế ra máy sấy ma sát khí, dựa trên nguyên lý không khí quay tròn, ma sát với thành thùng chứa sẽ phát nhiệt. Máy này cho nhiệt độ khoảng 50 độ C, song có độ thông thoáng rất cao, dùng để rút nhanh độ ẩm thành phẩm bột trước khi đóng gói.

 

Kỹ sư Phạm Đức Long (sinh năm 1960, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, tác giả của 10 đầu sách văn học, nhiều lần được giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật  tỉnh Gia Lai, giải thưởng Sáng tạo khoa học của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đây là một sáng tạo thú vị và rẻ tiền. Tổng chi phí các máy khoảng 3 triệu đồng. Trong khi công nghệ phương Tây để tạo ra cà phê hòa tan cần chi phí hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Thuốc thảo mộc sử dụng rất tốt cho chăn nuôi an toàn, sức khỏe gia cầm tốt, nhanh lớn, chất lượng sản phẩm ngon, không có dư lượng kháng sinh, con vật không bị kháng kháng sinh như đang phổ biến hiện nay.

Còn cả chục sáng kiến thú vị nữa, nếu ai cần tìm hiểu để ứng dụng thì xin mời vào blog của ông (phamvanlong1960.vnweblogs.com), chuyên chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm cho mọi người.

Và được biết ông vẫn còn ấp ủ rất nhiều ý định nữa nhưng chưa có thời gian thực hiện. Ông rất quý thời gian, vừa rồi làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng không được chấp nhận, và ông vẫn còn làm thơ, thơ ông vẫn xuất hiện đều trên các báo.

Điều cuối cùng tôi muốn nói trong bài báo này, ấy là trong danh sách 10 trí thức tiêu biểu của tỉnh Gia Lai vừa rồi không thấy có tên ông. Cũng có thể tại ông cứ mải mê lặng thầm làm mà không báo cáo, hoặc là ông chưa phải là thạc sĩ, thấy trong danh sách ấy, đều từ thạc sĩ trở lên, nhưng trong tôi, ông là nhà khoa học thứ thiệt, trí thức thứ thiệt...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm