Khổ vì chậm điều chỉnh địa giới hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù đã định cư hơn 23 năm nay và có nhà cửa, đất đai ổn định, nhưng hơn 200 hộ dân ở thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Nguyên nhân là do khu vực này nằm giữa ranh giới hai xã Cư Pui và Cư Đrăm của huyện Krông Bông, chậm được điều chỉnh địa giới hành chính.
 
Nhiều hộ dân ở thôn Cư Dhắt đã định cư hơn 23 năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Nguyễn Hoài Bão
Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Nguyễn Văn Trung cho biết: Thôn Cư Dhắt được thành lập năm 1997, toàn thôn hiện có hơn 200 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào định cư. Thôn Cư Dhắt nằm trong dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do của huyện Krông Bông đã được triển khai nhiều năm nay, đến nay phần lớn các hộ dân trong thôn đã có đất sản xuất và làm nhà ở ổn định. Mặc dù đã định cư ở đây hơn 23 năm và đất sản xuất không thiếu nhưng do thôn Cư Dhắt nằm giữa địa giới hành chính hai xã Cư Pui và Cư Đrăm của huyện Krông Bông, và việc chậm điều chỉnh địa giới hành chính khiến người dân chưa được cấp giấy CNQSDĐ để vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Trung, khu vực thôn Cư Dhắt phần lớn nằm trên địa bàn xã Cư Pui, nhưng đất là do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Krông Bông (Công ty lâm nghiệp Krông Bông) quản lý, trong khi đó, xã Cư Đrăm lại quản lý về mặt hành chính, nhân khẩu, hộ khẩu từ khi thành lập đến nay. Thôn nằm cách trung tâm xã Cư Pui khoảng 40 km, cách trung tâm xã Cư Đrăm khoảng 25 km, giao thông đi lại rất trắc trở. Mặc dù chưa điều chỉnh được địa giới hành chính nhưng trong những năm qua, chính quyền và các đoàn thể của xã Cư Đrăm luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh - trật tự và chăm lo con em họ học hành chu đáo. Tuy nhiên, điều mà người dân ở đây nhiều lần kiến nghị với xã là tạo điều kiện cấp giấy CNQSDĐ để có điều kiện vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, nhưng đến nay chưa giải quyết được.
Ông Ma Seo Lỡ, nguyên Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Cư Dhắt cho biết: Tôi đã nhiều lần đề xuất mong muốn của người dân trong thôn với UBND xã, huyện là được tạo điều kiện cấp giấy CNQSDĐ để ổn định cuộc sống và vay vốn. Tuy nhiên, đến nay chưa gia đình nào trong thôn làm được giấy CNQSDĐ kể cả đất ở lẫn đất sản xuất do vướng mắc địa giới hành chính giữa hai xã.
Nói về nguyên nhân chậm điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai xã Cư Pui và Cư Đrăm ở khu vực thôn Cư Dhắt, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Nguyễn Văn Trung cho biết: Thôn Cư Dhắt có 100% đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào định cư cho nên tình hình an ninh - trật tự phức tạp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, trên cơ sở kiến nghị của người dân, UBND xã Cư Đrăm đã nhiều lần có văn bản đề nghị lên huyện, tỉnh sớm điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai xã ở khu vực này, giúp chính quyền địa phương thuận lợi trong công tác quản lý hành chính, nhân khẩu, hộ khẩu cũng như đầu tư xây dựng đường giao thông nội vùng, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp giấy CNQSDĐ cho người dân... Chính quyền cũng như người dân mong muốn các cấp, các ngành sớm quan tâm điều chỉnh địa giới hành chính để thuận lợi trong công tác quản lý hành chính cũng như cuộc sống của người dân.
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho rằng: Để điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai xã thì vấn đề quan trọng nhất là cần vẽ lại bản đồ hành chính của hai xã, trên cơ sở đó xác định thôn Cư Dhắt nằm gần trung tâm hành chính xã nào và giao thông đi lại thuận lợi hơn sẽ điều chỉnh về xã đó. Còn vấn đề cấp giấy CNQSDĐ đến nay chưa thực hiện được là do trước đây người dân di cư tự do vào lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty lâm nghiệp Krông Bông để ở và sản xuất cho đến nay. Hiện tại, đất khu vực này vẫn là đất lâm nghiệp cho nên không thể cấp giấy CNQSDĐ. Muốn cấp giấy CNQSDĐ cho người dân thì cấp có thẩm quyền phải ra quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Công ty lâm nghiệp Krông Bông giao về cho địa phương quản lý và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chính vì những vướng mắc này cho nên đến nay người dân ở thôn Cư Dhắt vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ.
Theo lãnh đạo hai xã Cư Pui và Cư Đrăm, những nguyên nhân, vướng mắc nêu trên đã được chính quyền hai xã nhiều lần báo cáo huyện, tỉnh và đề nghị sớm có giải pháp xử lý, điều chỉnh địa giới hành chính.
Nguyễn Hoài Bão (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.