Kho báu dược liệu khổng lồ ở Đắk Nông chưa được khai thác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Nông đang sở hữu những kho báu rất lớn về cây dược liệu ở dưới tán rừng tự nhiên. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các kho báu dược liệu quý giá chưa được chủ rừng khai thác, phát huy giá trị hiệu quả.
Tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành có nhiều dược liệu quý. Ảnh: Phan Tuấn

Tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành có nhiều dược liệu quý. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều dược liệu quý dưới tán rừng

Hiện nay, thời tiết ở Đắk Nông đang trong giai đoạn mùa khô nên việc di chuyển vào những cánh rừng tự nhiên cũng dễ dàng hơn. Trên đường đi các cán bộ Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành cho biết, ngay dưới những thảm thực vật ở dưới đất có rất nhiều cây dược liệu quý.

Gạt đi các lớp cây cỏ, anh Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành lấy lên một vài thân cây màu trắng. Theo anh Bình, đây là sâm bố chính, loại dược liệu được đánh giá có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người.

Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành thì tiềm năng của dược liệu thuộc lâm phần của đơn vị là rất lớn.

Qua điều tra, khảo sát, đơn vị đã xác định được hơn 330 loài dược liệu tự nhiên trong rừng. Đặc biệt, ở khu rừng của đơn vị có một số loại thuốc quý, nằm trong danh mục cần được bảo tồn.

"Các loài dược liệu nổi bật ở trong lâm phần của đơn vị phải kể đến các loài như: Xáo tam phân, sâm xuyên đá, gối hạt, sâm tiên mao, huyết đằng... Đây đều là những loại dược liệu có trữ lượng lớn, có nhiều tiềm năng để đưa vào khai thác phát triển lâu dài" - ông Nhã cho biết.

Sâm bố chính có nhiều dưới thảm thực vật ở trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành. Ảnh: Lê Phước

Sâm bố chính có nhiều dưới thảm thực vật ở trong lâm phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành. Ảnh: Lê Phước

Tương tự, qua điều tra, khảo sát, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, ở huyện Cư Jút xác định ở trên lâm phần do đơn vị quản lý cũng có rất nhiều dược liệu quý. Trong đó, có nhiều loại có số lượng nhiều và giá trị cao như: Sâm cau, sâm đất, huyết đằng, hà thủ ô...

Chưa được khai thác xứng tầm

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Thành là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông mày mò phát triển thế mạnh về cây dược liệu.

Cụ thể, công ty đã sử dụng sâm bố chính và 14 loại dược liệu quý khác ở trong lâm phần của đơn vị để đưa vào thành phần sản xuất rượu dược liệu.

Điều đáng nói, ngoài việc nghiên cứu, sản xuất rượu sâm thì Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành chưa có có bước phát triển nào khác để khai thác tiềm năng cây dược liệu.

Nhân viên Công ty Đầu tư và Phát triển Đại Thành sản xuất rượu dược liệu để phát triển kinh tế đơn vị. Ảnh: Phan Tuấn
Nhân viên Công ty Đầu tư và Phát triển Đại Thành sản xuất rượu dược liệu để phát triển kinh tế đơn vị. Ảnh: Phan Tuấn

Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, trước đây đơn vị có ký hợp tác chiến lược với một đơn vị chuyên về kinh doanh dược liệu. Thế nhưng, sau đó doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nên việc hợp tác hầu như chưa triển khai được gì.

“Công ty xác định phải tự chủ động trong việc phát triển giống, vùng nguyên liệu và đầu ra của các sản phẩm dược liệu. Đây là việc làm dài hơi, trong khi nguồn lực của đơn vị thì có hạn nên chắc chắn sẽ phải kéo dài thêm thời gian nữa mới có sự tiến triển” - ông Nhã chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Châu Thanh Tâm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH TMV Lâm nghiệp Đắk Wil chia sẻ, tiềm năng kinh tế từ phát triển dược liệu tại lâm phần là rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp vẫn đang tìm đối tác để cùng nhau khai thác phát triển cây dược liệu hiệu quả.

"Hy vọng sẽ sớm có đơn vị phù hợp, có tiềm lực đến “đánh thức” tiềm năng cây dược liệu, mang lại thêm nguồn thu cho doanh nghiệp. Qua đó, đơn vị sẽ có thêm nguồn lực để giữ chân và thu hút thêm người lao động tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững” - ông Tâm bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm