Hệ thống Viện Khổng Tử, một nền tảng quan trọng trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc, đối diện thách thức lớn khi có thể bị Mỹ sớm “cấm cửa”.
Tại một học viện Khổng Tử ở California, Mỹ - Ảnh: GlobalTimes |
Khuya 6.9, theo giờ VN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng các học viện Khổng Tử là cánh tay tuyên truyền cho chế độ cầm quyền tại Trung Quốc và là trung tâm cho những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu cho các trường đại học Mỹ. “Đừng để các học viện Khổng Tử lừa, đó không phải là những trung tâm văn hóa”, Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi. Sau thông điệp trên, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 7.9 đã đăng bài phản bác và chỉ trích ý kiến của ông Pompeo.
Quyền lực mềm của Trung Quốc
Trước khi đưa ra lời kêu gọi trên, trả lời phỏng vấn vào đầu tháng 9, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng nên ngừng hoạt động các học viện Khổng Tử ở Mỹ trong cuối năm nay. Ông cáo buộc rằng đó là những cơ sở để Bắc Kinh tuyển mộ gián điệp và cộng tác viên. “Tôi nghĩ rằng mọi người đều sắp nhận ra những rủi ro liên quan đến họ (học viện Khổng Tử - NV)”.
H.G |
Thời gian qua, Washington đã tiến hành siết chặt hoạt động của mạng lưới học viện Khổng Tử tại Mỹ. Giữa tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông cáo cho hay vừa đưa Trung tâm học viện Khổng Tử tại Mỹ, đặt trụ sở tại thủ đô Washington, vào danh sách các cơ quan ngoại giao đại diện Trung Quốc. Đây được xem là “tổng hành dinh” của mạng lưới học viện Khổng Tử tại Mỹ. Việc đưa vào danh sách này nhằm yêu cầu Trung tâm học viện Khổng Tử tại Mỹ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin thường xuyên cho Bộ Ngoại giao Mỹ về các chương trình tuyển dụng, nguồn tài trợ cùng các nội dung hoạt động ở nước sở tại.
Thông cáo trên trích dẫn một phát biểu vào năm 2009 của ông Lý Trường Xuân, khi đó đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chỉ đạo kiến thiết văn minh tinh thần Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh giá các học viện Khổng Tử là “một phần quan trọng trong cơ chế tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc”. Thông cáo này cũng cáo buộc các học viện Khổng Tử đã thiếu minh bạch, bị chi phối bởi chính quyền Trung Quốc... Tất cả được nhìn nhận như nhằm xây dựng quyền lực mềm cho Bắc Kinh đối với thế giới.
Khó “cấm cửa” ?
Trả lời Thanh Niên về việc Mỹ muốn “cấm cửa” các học viện Khổng Tử, GS Joseph Nye (Đại học Harvard, Mỹ - người được xem là “cha đẻ” của học thuyết Quyền lực mềm) nêu quan điểm: “Tôi không đồng ý với biện pháp trên, trừ khi các học viện Khổng Tử vượt qua ngoài phạm vi giảng dạy văn hóa và tham gia vào chính trị - những hành vi được xem là xâm phạm quyền tự do học thuật”.
Cũng trả lời Thanh Niên, bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án về sức mạnh Trung Quốc - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận xét: “Tôi cho rằng khó có chuyện tất cả học viện Khổng Tử tại Mỹ sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay hoặc sớm hơn. Điều đó chỉ xảy ra khi chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các đại học sở tại nếu không đóng cửa các học viện Khổng Tử”.
“Ngoài ra, với quan điểm của tôi, các học viện Khổng Tử không phải là công cụ hiệu quả để Bắc Kinh có thể phát triển quyền lực mềm. Những người học tiếng Trung Quốc hay tìm hiểu về văn hóa nước này thì không nhất thiết có quan điểm ủng hộ Bắc Kinh”, bà Glaser nói thêm.
Nhiều cáo buộc
Ra đời năm 2004, hệ thống học viện Khổng Tử hoạt động phi lợi nhuận, liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục đích truyền bá tiếng Hoa và văn hóa Trung Hoa. Theo số liệu được dẫn trích bởi tờ Hoàn Cầu thời báo hồi tháng 7 vừa qua, có 541 học viện Khổng Tử hoạt động ở 162 quốc gia. Phần lớn các học viện này được liên kết thành lập ở các trường đại học tại các nước sở tại. Ngoài ra, nằm trong hệ thống học viện trên, còn có hơn 1.000 chương trình đào tạo với nội dung tương tự trong các trường tiểu học và trung học ở nhiều nước.
Năm ngoái, nhân dịp 15 năm ra đời và phát triển của học viện Khổng Tử, Quỹ nghiên cứu Jamestown (Mỹ) đăng tải một nghiên cứu cảnh báo rủi ro liên quan hệ thống học viện Khổng Tử. Theo đó, các học viện này đang tiếp cận để tổ chức các lớp học dành cho nhân sự của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chứ không chỉ hoạt động tại các trường đại học.
Ngoài việc đào tạo tiếng Hoa và văn hóa Trung Hoa, các chương trình giảng dạy còn đưa vào nội dung như “cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về Trung Quốc ngày nay”, bao gồm cả nội dung “bối cảnh chính trị của Trung Quốc”... Những nội dung này bị cáo buộc nhằm hình thành các góc nhìn thiên vị Bắc Kinh khi tìm cách “kiểm soát” các nội dung “nhạy cảm” liên quan chính trị, kiểm soát của chế độ cầm quyền ở Trung Quốc.
Từ trước báo cáo nghiên cứu trên, nhiều chuyên gia và giới quan sát cũng đã lên tiếng lo ngại việc Trung Quốc thực thi quyền lực mềm thông qua mạng lưới học viện Khổng Tử.
Điển hình, truyền thông Đức gần đây đã lên tiếng chỉ trích về việc một đại học nước này, thông qua học viện Khổng Tử, đã tiếp nhận những khoản tài trợ từ chính phủ Trung Quốc dẫn đến môi trường học thuật bị chi phối vì mục đích chính trị.
Gần đây, các cơ sở của học viện Khổng Tử lần lượt bị đóng cửa ở Thụy Điển. Cụ thể, theo truyền thông nước sở tại, Đại học Công nghệ Luleå (Thụy Điển) tháng 12.2019 công bố đóng cửa học viện Khổng Tử tại trường này và việc đóng cửa đã chính thức diễn ra vào tháng 1.2020. Đến tháng 5, Trường trung học Falkenberg ở vùng Falkenberg (Thụy Điển) cũng đã đóng cửa cơ sở giảng dạy của học viện Khổng Tử tại đây. Như thế, toàn bộ mạng lưới của học viện Khổng Tử tại Thụy Điển đã ngừng hoạt động.
Ngoài ra, chính phủ, giới nghiên cứu ở một số nước như Ấn Độ, Bỉ... cũng đã tăng cường xem xét, đánh giá và siết chặt hoạt động của các học viện Khổng Tử.
Theo NGÔ MINH TRÍ (thanhnien)