Kết nối thị trường để tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ khiến nhiều loại nông sản tại Tây Nguyên giảm giá mạnh, đầu ra ách tắc, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển và chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở khu vực này đang là yêu cầu cấp bách.

 
Các thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng cho nông dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Các thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng cho nông dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Hàng chục nghìn héc-ta cây ăn trái, rau, củ, quả đang vào vụ thu hoạch nhưng đầu ra khó khăn, giá giảm mạnh. Giá sầu riêng Dona giảm còn 20 - 25 nghìn đồng/kg; bơ Booth, bơ Hass chỉ còn trên dưới 10 nghìn đồng/kg…
Đầu ra khó khăn
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 12.000 ha sầu riêng, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5.300 ha, sản lượng khoảng 103.000 tấn; hơn 9.000 ha bơ, diện tích thu hoạch khoảng 5.400 ha, sản lượng khoảng 82.000 tấn. Nhiều vườn sầu riêng, bơ vắng bóng các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua dù đang vào chính vụ thu hoạch.
Ông Đặng Đức Tùng ở xã Ea Kênh (Krông Pắc) có 1 ha sầu riêng Dona, năm ngoái thu 30 tấn, được 1,5 tỷ đồng; năm nay cũng dự kiến thu 30 tấn nhưng giá giảm rất mạnh. Ông nói: “Thời điểm giữa tháng 8, thương lái ra giá 46 nghìn đồng/kg nay sầu riêng loại 1 giá giảm xuống còn khoảng 30 nghìn đồng/kg, loại 2 là 22 nghìn đồng/kg nhưng ít người hỏi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kênh Tạ Văn Châm cho rằng: Giá sầu riêng giảm mạnh ngoài nguyên nhân vận chuyển bị tắc nghẽn, thị trường xuất khẩu khó khăn, lý do khác là cùng một thời điểm có hàng chục nghìn héc-ta trên địa bàn Tây Nguyên cho thu hoạch với sản lượng rất lớn, trong khi thời gian thu hoạch ngắn nên thương lái, doanh nghiệp không thể tiêu thụ kịp”.
Tỉnh Đắk Nông có gần 11.000 ha rau, củ, quả, trái cây các loại, với tổng sản lượng khoảng 176.000 tấn. Sản lượng thu hoạch còn lại từ nay đến tháng 11 khoảng 76.000 tấn; trong đó có khoảng 9.000 tấn bơ, 18.000 tấn sầu riêng. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do giá cước vận tải, giá nhân công tăng cao và khan hiếm, giá các loại nông sản trên địa bàn giảm từ 20 đến 25% so với năm ngoái. Sở đã hỗ trợ, giới thiệu một số doanh nghiệp thu mua cho nông dân nhưng khi liên hệ, họ trả giá thấp, với lý do phải vận chuyển đi xa, giá vận chuyển tăng cao…
Ông Lê Viết Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất - nhập khẩu Dũng Thái Sơn ở xã Ea Kênh (Krông Pắc, Đắk Lắk), cho biết: “Kế hoạch vụ này công ty sẽ thu mua 15.000 tấn sầu riêng nhưng do dịch bệnh, sầu riêng chưa xuất khẩu được mà chủ yếu tiêu thụ nội địa, khâu vận chuyển lại gặp nhiều khó khăn nên số lượng thu mua đầu vào cũng giảm sút, chỉ đạt khoảng 7.500 tấn, bằng 50% kế hoạch ban đầu…”.
Nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích gieo trồng các loại rau, củ, quả bảy tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh là hơn 46 nghìn ha, sản lượng hơn 1,2 triệu tấn. Bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 6.000 tấn. Những tháng còn lại cuối năm 2021, dự kiến sản lượng rau, củ, quả đạt hơn 1,1 triệu tấn, tạo áp lực rất lớn trong khâu tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, cho biết: “Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, tỉnh hỗ trợ, kết nối giao thương để nông sản liên tục phát triển, không bị đứt gãy. Tỉnh cũng giao các ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, công thương cùng vào cuộc nhằm bảo đảm thuận lợi cho sự vận hành chuỗi cung ứng nông sản”. Lâm Đồng hiện có 175 chuỗi liên kết, với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17 nghìn hộ nông dân; sản lượng nông sản tiêu thụ qua chuỗi hơn 500 nghìn tấn. Đây là điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng nông sản trong mùa dịch.
Tại Đắk Lắk, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vũ Đức Côn thông tin: Từ đầu vụ thu hoạch, các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêu thụ bơ, sầu riêng. Theo đó, đề ra hai phương án là: Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì 80% sản lượng bơ và 20% sản lượng sầu riêng tiêu thụ trong nước; còn lại sẽ xuất khẩu.
Nếu dịch bệnh quá phức tạp, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ thu hoạch, chế biến và tiêu thụ; 90% sản lượng bơ và 36% sản lượng sầu riêng sẽ tiêu thụ trong nước, 10% bơ và hơn 60% sầu riêng còn lại sẽ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản qua một số nước, vùng lãnh thổ hiện tại gặp nhiều khó khăn.
Xác định thị trường tiêu thụ hai sản phẩm chủ lực trên hiện trong nước là chính, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ quảng bá, giới thiệu nông sản của tỉnh để có sự kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, sàn giao dịch thương mại điện tử. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người dân, các thương lái, doanh nghiệp tham gia thu hoạch, chế biến, thu mua, vận chuyển nông sản trên địa bàn.
Cụ thể, ngành y tế ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân, lao động từ địa phương khác đến. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn phát huy tối đa công suất bóc tách, cấp đông sầu riêng trong điều kiện vận chuyển khó khăn. Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk cũng đã cấp 3.827 thẻ nhận diện phương tiện có chứa mã QR cho các phương tiện bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch để tham gia vận chuyển hàng hóa, nông sản trên “luồng xanh” quốc gia và nội tỉnh…
Tại Đắk Nông, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phạm Văn Mạnh cho biết: Đến nay, sở đã cấp 936 giấy nhận diện phương tiện hoạt động “luồng xanh”, đồng thời lập đường dây nóng để xử lý nhanh các vấn đề phát sinh, nhất là việc hướng dẫn các doanh nghiệp tự kê khai in mã QR cho xe của đơn vị mình đúng theo quy định.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, từ đầu vụ thu hoạch, cùng với việc tham mưu cho UBND các tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngành còn chủ động thành lập tổ công tác, chia theo khu vực để cử cán bộ về cơ sở phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ ách tắc trong việc tiêu thụ nông sản cho người dân.
Đến nay, khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản từng bước được khắc phục. Ngành cũng sẽ tiếp tục tổng hợp, thống kê, hỗ trợ, cung cấp thông tin đa chiều về giá, đơn vị thu mua, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu… để người dân có cơ sở lựa chọn giải pháp tốt nhất cho nông sản của mình.
Mặc dù vậy, qua khảo sát thực tế, tình hình tiêu thụ nông sản ở Tây Nguyên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nghiêm Xuân Dưng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Hòa Phát (Đắk Song, Đắk Nông) đề nghị các cấp, các ngành cần vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa, giúp doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Còn bà Ngô Tử Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Krông Pắc, Đắk Lắk) đặt vấn đề: Chính quyền cần hỗ trợ thương lái, công nhân tham gia thu mua, chế biến nông sản được tiêm vắc-xin sớm. Bên cạnh đó, ngân hàng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để thu mua, bóc múi trái cây cấp đông thì sẽ không bị đối tác ép giá…
Bài, ảnh: BIỂU LÝ và BẢO YÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.