Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản: Vì lợi ích người dân và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung do đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần sớm có giải pháp kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nông sản khó tìm đầu ra

Các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch nông sản như: sầu riêng, bơ, các loại rau củ quả. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho các loại nông sản này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu rau xanh, các loại củ quả ở các thành phố lớn, khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng, phải cứu trợ. Người dân nhiều nơi phải mua với giá cao gấp 4-5 lần, thậm chí là 10 lần. Đơn cử như giá rau cải ở Gia Lai là 3.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển vào chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh mất thêm 3.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí ship đến các quầy bán lẻ 2.000 đồng/kg thì tổng chỉ 8.000 đồng/kg. Nhưng người dân tại TP. Hồ Chí Minh phải mua loại rau cải này với giá trên 30.000 đồng/kg. Hay giá xà lách tại Đà Lạt chỉ 4.000 đồng/kg nhưng về đến TP. Hồ Chí Minh thì bán với giá 40.000 đồng/kg. Một đơn vị trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Chư Pưh sắp đến thời gian thu hoạch với sản lượng hơn 100 tấn nhưng đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ hoặc có thương lái đến vườn mua với giá rất thấp.

Ảnh: Đức Thụy
Hiện nay, một số loại rau đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy


Đến đầu tháng 9, tỉnh Đak Lak tiêu thụ được hơn 40.000 tấn sầu riêng (đạt khoảng 40% sản lượng cả vụ) và khoảng 58.500 tấn bơ (đạt hơn 70% sản lượng). Cả 2 loại trái cây này đều chỉ tiêu thụ nội địa với giá giảm khoảng 20-30% so với mùa vụ năm 2020. Gia Lai cũng đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây nhưng các địa điểm tiêu thụ đều giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn. Sản lượng nông sản tiêu thụ được giảm đến 1/3, trong khi giá bán cũng giảm 20-30%.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên còn hàng ngàn héc ta rau với sản lượng trên 25.000 tấn đang tiếp tục thu hoạch. Trong đó, khó khăn nhất về đầu ra là mặt hàng rau, cải củ, bắp sú, khổ qua, bí đao, chanh tươi… với số lượng hàng ngàn tấn. Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha cây ăn quả, chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch nhưng tiêu thụ gặp khó khăn. Khó nhất hiện nay là khâu sơ chế, vận chuyển vì các địa phương kiểm soát rất gắt gao đội ngũ lái xe để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Về sản phẩm chăn nuôi, Tây Nguyên còn một số trang trại nuôi trên 30.000 con gà trắng đã đến thời điểm xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được do hệ thống nhà hàng ở các thị trường chính đều phải đóng cửa. Những sản phẩm đặc trưng và rất ngon tại Gia Lai như cá thác lác hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) tới lứa xuất bán mà vẫn không có đơn vị đến mua. Hàng ngày, hợp tác xã nuôi phải chi tiền mua thức ăn cho cá để duy trì. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng cao, hợp tác xã thua lỗ.

 Người dân vận chuyển nông sản lên xe “luồng xanh” để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy
Người dân vận chuyển nông sản lên xe “luồng xanh” để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy



Dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác thương mại cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản hoạt động cầm chừng vì thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn. Các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu cũng phải tạm hoãn hoặc không tổ chức, ảnh hưởng đến các công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ

Đứng trước những khó khăn do dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, các cấp, các ngành cần phối hợp chỉ đạo sát sao từ nơi sản xuất đến các điểm bán lẻ để sớm tìm ra tiếng nói chung trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Đối với tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp và các hợp tác xã cần có sự tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường để có kế hoạch tổ chức liên kết sản xuất phù hợp. Nhà vườn cần tham gia các hợp tác xã, nông hội, tổ hợp tác sản xuất, sơ chế và cung ứng; kết nối thông tin kế hoạch sản xuất và thời điểm xuống giống, chăm sóc để có thể chủ động được sản lượng thu hoạch đều trong năm. Cần lên kế hoạch ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối ở các thành phố lớn, khu công nghiệp… để chủ động việc canh tác và không để tình trạng ùn ứ khi thu hoạch cùng một lúc, không có người mua, dẫn đến phải giảm giá để bán được số lượng lớn. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, quy trình, cách làm việc của bộ phận kinh doanh; phối hợp nhịp nhàng, kết nối với các bộ phận khác khi có thông tin về đơn hàng và đáp ứng tiến độ, chất lượng.

 Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy



Nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên rất đa dạng và dồi dào, giá cả tại nguồn rẻ, nhất là cà phê, hạt tiêu, mắc ca, sa chi… đã được công nhận sản phẩm OCOP, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chế biến và bảo quản tốt, nhiều lô hàng được xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường truyền thống. Riêng mặt hàng rau củ quả tươi giá còn thấp, tiêu thụ rất khó khăn. Vì vậy, các chuỗi siêu thị đã có thị phần chính tại những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương nơi có nhu cầu lớn về cà phê, hạt tiêu, mắc ca, trái cây, nguồn rau củ quả và thực phẩm chăn nuôi cần thông qua những đầu mối tại các tỉnh để đưa ra những yêu cầu về đơn hàng, thời gian, số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách đóng gói, tem nhãn với đầy đủ thông tin trên bao bì giúp người mua tin vào chất lượng.

Vấn đề cần nhất hiện nay là tạo thuận lợi cho các hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng nông sản Tây Nguyên được ra vào các tỉnh, thành phía Nam để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đưa hàng hóa đến tận người tiêu dùng với giá hợp lý. Điều này giúp người nông dân không phải bán nông sản với giá quá thấp, không duy trì được sản xuất trong khi người tiêu dùng lại mua với giá quá cao.

Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổ công tác 970 cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, hy vọng các doanh nghiệp sẽ tháo gỡ từng bước cho nông sản Tây Nguyên phát triển ổn định, kết nối với các chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ giúp người dân các tỉnh, thành phía Nam có nguồn thực phẩm chất lượng với giá phù hợp.

 

NGUYỄN DŨNG

Có thể bạn quan tâm