Kbang trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia được không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về thúc đẩy phát triển du lịch, Kbang (Gia Lai) đi đầu tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch huyện nhà; mới đây nhất là Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018 diễn ra từ ngày 3 đến 5-8. Vùng đất này ngày càng được du khách quan tâm bởi những giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vô cùng phong phú mà không phải địa phương nào cũng có được.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Về điều kiện tự nhiên, Kbang có đến 2 khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, gồm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Kon Chư Răng (thuộc xã Sơn Lang) có diện tích 15.900 ha, nơi có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây Trường Sơn nên hệ động-thực vật khá phong phú, đa dạng; có nhiều dòng thác đẹp, đặc biệt là thác 50 nơi đầu nguồn sông Côn. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Tây Bắc trung tâm huyện, là thượng nguồn sông Ba, động-thực vật đa dạng, nhiều thắng cảnh hùng vĩ, nguyên sơ. Hệ động-thực vật rừng ở Kbang vẫn còn nhiều loài quý hiếm như: trắc, giáng hương, cẩm lai, trầm hương, sâm đá, hổ, báo, chồn bay... Do tiếp giáp giữa Đông và Tây Trường Sơn nên địa hình vùng này có cả đồi núi của cao nguyên và những vùng đất bằng phẳng như Duyên hải miền Trung. Nhiều hồ nước lớn như hồ Ka Nak gần 2.000 ha, hồ B Vĩnh Sơn hơn 1.000 ha, hồ C Vĩnh Sơn 320 ha... Không những thế, đây còn là vùng đất có độ che phủ của rừng khá tốt, trên 70% diện tích và nhiệt độ các tháng trong năm tương đối ôn hòa. Những ngày miền Trung nắng nóng thì Kbang có mưa và mát; mùa mưa bão ở miền Trung thì Tây Nguyên nói chung Kbang nói riêng vẫn có nắng đẹp.
Các nhà khảo cổ học trong nước và thế giới gần đây qua khảo sát đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trên 80 vạn năm trên vùng đất Kbang. Hiện nay, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để khẳng định một số vùng thuộc Kbang và An Khê là “Công viên địa chất toàn cầu”.
Kbang còn là một trong những vùng đất Tây Nguyên mà cư dân Việt đến định cư đầu tiên, cách đây nhiều trăm năm. Vì vậy, những ai quan tâm đến cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn, nếu không đến vùng Tây Sơn Thượng đạo (bao gồm Kbang, An Khê, Kông Chro và Đak Pơ) sẽ không lý giải được vì sao nhà Tây Sơn thành công trong khởi nghĩa nông dân áo vải. Cho đến nay, Kbang vẫn còn di tích “Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu” gắn liền với công sức dựng nghiệp của anh em Tây Sơn trên vùng này.
Trong kháng chiến chống Pháp, mảnh đất giàu di tích văn hóa, lịch sử Kbang còn gắn cùng tác phẩm “Đất nước đứng lên” nổi tiếng thế giới với làng Stơr của Anh hùng Núp (xã Tơ Tung). Trong kháng chiến chống Mỹ, cái nôi của Tỉnh ủy Gia Lai cũng đóng ở Krong, Kbang. Những cây gỗ Tây Nguyên được nhân dân khai thác vận chuyển ra tận miền Bắc xây Lăng Bác hiện vẫn còn dấu tích ở Sơn Lang.
Bây giờ, quốc lộ 19 thông thương, nối miền Trung với Tây Nguyên qua đèo An Khê đi lại thuận lợi, dễ dàng. Ít ai biết rằng, đầu thế kỷ XX về trước, để lên được Tây Nguyên, người ta không đi theo con đường này, mà có một lối bộ hành khác băng qua Sơn Lang (Kbang) về Vĩnh Thạnh (Bình Định). Năm 1848, khi người Việt quyết vượt dãy Trường Sơn tìm đến những miền đất phía Tây xa hơn, tìm đến con nước chảy ngược về nơi mặt trời lặn, đã trốn qua quan ải Kbang lên cao nguyên Măng Đen tìm thượng nguồn sông Đak Bla rồi xuôi dần đến định cư ở vùng đất bằng phẳng “Làng Hồ” (TP. Kon Tum bây giờ), rồi từ đây đi ngược lại, tìm ra Pleiku, Buôn Ma Thuột, Ayun Pa... Hành trình người Việt tìm ra miền Tây Trường Sơn trên Tây Nguyên sẽ là hành trình thú vị cho những ai hoài cổ, thích khám phá.
Về văn hóa, Kbang là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó người Bahnar bản địa chiếm gần 40% dân số, nhiều nơi còn lưu giữ được nét văn hóa nguyên sơ độc đáo. Tôi đến Sa Pa, Đà Lạt... tự hỏi vì sao người Pháp bảo tồn nơi đây thành những vùng văn hóa đặc thù, thu hút khá đông du khách mà Gia Lai đến giờ vẫn không xây dựng được? Và nếu tỉnh ta muốn xây dựng một đô thị đậm nét văn hóa bản địa để phát triển du lịch như Sa Pa thì nên chăng chọn Sơn Lang của Kbang.
Nếu như trước đây, hạ tầng giao thông Kbang còn khó khăn thì bây giờ đã có đường Trường Sơn Đông đi qua (có đoạn làm đường băng cho máy bay nhỏ cất hạ cánh), từ Kbang về các tỉnh Duyên hải miền Trung gồm Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi khá gần trong bán kính tầm 100 km; Đà Nẵng, Nha Trang cũng không xa mấy. Đặc biệt, từ Kon Hà Nừng đến Quy Nhơn chỉ tầm 80 km, chỉ trong vòng vài giờ du khách có thể lên rừng, xuống biển với 2 vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Với điều kiện thiên nhiên, đa dạng, hùng vĩ hiếm có, với tiềm năng văn hóa phong phú, những dấu ấn lịch sử đặc thù như vậy, thiết nghĩ, cao nguyên Kon Hà Nừng có thể được nghiên cứu quy hoạch, xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng quốc gia, xa hơn là quốc tế, được lắm chứ!
Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.