Huyền thoại về "động tiên" giữa đại ngàn Tây Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được mệnh danh là một “Phong Nha” giữa đại ngàn Tây Bắc, quần thể Động Tiên là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc tỉnh Tuyên Quang, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã đầu tư phát triển Động Tiên trở thành nơi tham quan kỳ thú, điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quần thể Động Tiên.

Vẻ đẹp độc đáo, huyền thoại

 

Lễ hội Động Tiên tại Tuyên Quang.
Lễ hội Động Tiên tại Tuyên Quang.

Chỉ cách thành phố Tuyên Quang hơn 55 km dọc theo quốc lộ 2 về phía Bắc, quần thể Động Tiên thuộc thôn Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên bao gồm bảy động là Động Tiên, động Thiên Đình, động Đàn Đá, động Thiên Cung, động Tam Cung, động Thạch Sanh, động Âm Phủ, xếp thành hình vòng cung.

Đến thăm Động Tiên, du khách sẽ được đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ, lộng lẫy của tạo hóa.

Khác với các động khác, Động Tiên nằm gần đỉnh núi, sau khi leo lên hơn trăm bậc đá nhuốm màu rêu xanh du khách sẽ gặp ngay cổng đá lớn. Tại đây du khách được trải tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả một vùng núi non rộng lớn, được tận hưởng làn gió mát trong lành của trời đất.

Theo những bậc đá đi vào lòng hang, du khách sẽ bắt gặp những khoảng trống trông như những ô cửa sổ. Vào ngày nắng, ánh sáng từ cửa hang rọi xuống trông như những chiếc đèn pha cực lớn soi vào lòng hang hun hút tạo nên vẻ huyền ảo, lạ mắt.

 

Vẻ đẹp thiếu nữ Tây Bắc.
Vẻ đẹp thiếu nữ Tây Bắc.

Cùng với thời gian hàng triệu năm, với sự bào mòn của nước, của gió, những khối nhũ đá được kết tinh tạo nên những hình hài của vạn vật trần gian. Trên vòm đá cao, rộng là hình một linh điểu xòe đuôi cánh rộng đang cắp một nàng thiếu nữ bay vào cửa hang gợi cho du khách nhớ về câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Bên dưới là khối đá như hình Phật Bà Quan Âm ngự trên toà sen và hình các vị La Hán bên cạnh các hình voi chầu, hổ phục cùng với nhiều hình thù các con vật khác.

Vào trong chính động, ta gặp một thạch trụ cột đá chống trời tạc trần, thạch trụ mầu sắc lung linh huyền ảo. Phía sau thạch trụ, sừng sững khối đá cẩm thạch hình một phụ nữ mang thai. Vào đến vách động trong cùng, ta thấy ban thờ Tiên năm tầng. Ngự trên bàn thờ tiên là Nàng tiên thứ bảy đang trong tư thế thành tâm cầu nguyện, vẻ mặt ưu tư toát lên sự bao dung đôn hậu.

Tiếp tục cuộc hành trình du khách sẽ chinh phục đỉnh cao của ngọn núi để chiêm ngưỡng Thần Kim Quy. Ngài ngự trên cao, đầu hướng về phương nam. Du khách không quên chạm tay vào Thần Kim Quy để cầu mong sự may mắn an lành bản thân, gia đình, bạn bè; phóng xa tầm mắt thưởng thức sự bao la của trời đất, sông nước cùng với muôn sắc màu của núi rừng với những bông hoa chuối rực rỡ giữa màu xanh đại ngàn của núi rừng.

Vào thăm động Thiên Đình, du khách sẽ chiêm ngưỡng những cột đá hoa cương lấp lánh như một cung điện cổ, cùng âm thanh vang vọng, du dương, trầm bổng khi những luồng gió thổi vào những vách đá như lời mời, cuốn hút du khách.

Rời động Thiên Đình, du khách tiếp tục khám phá những bí ẩn của động Đàn Đá, động Thiên Cung, động Thạch Sanh, động Âm Phủ… với vô số lớp nhũ đá cao thấp muôn hình muôn vẻ. Nhũ đá trong hang có khả năng thay đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời, buổi sáng có màu hồng, buổi trưa lấp lánh như pha lê, khi hoàng hôn màu đỏ thẫm. Có những phiến đá được xếp thành hàng như đàn đá, khi gõ nhẹ chúng phát ra âm thanh lạ tai.

Cuối cuộc hành trình, du khách sẽ đứng lại ở Hang Tôm, tương truyền đây chính là nơi nàng tiên dừng chân tắm gội, gột bỏ bụi trần trước khi trở về tiên giới.

Du khách được thưởng thức dòng nước trong mát chảy ra từ trong lòng núi, không khí trong lành mát mẻ, xua đi những mệt nhọc sau một hành trình khám phá cõi thần tiên.

Có lẽ chính vì vẻ đẹp huyền ảo như vậy mà quần thể Động Tiên mới có nhiều truyền thuyết đến thế. Đến đây du khách sẽ nghe chuyện tình cảm động của chàng thanh niên mồ côi và con gái thứ 7 của Ngọc Hoàng (nàng Tiên Út), cũng như sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây.

Không chỉ có cảnh quan độc đáo, vào dịp đầu năm, khi lễ hội Lễ hội Động Tiên diễn ra, du khách còn được sống trong không gian văn hóa đa sắc màu hơn 10 dân tộc nơi đây.

Được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng giêng (Âm lịch) hàng năm, lễ hội Động Tiên là dịp để người dân ước nguyện về một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, trai gái nên duyên, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Tại lễ hội, du khách được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nơi qua các phong tục tế lễ truyền thống, những làn điệu dân ca, các hoạt động văn hóa thể thao như đánh cờ người, bịt mắt bắt dê, đánh quay, thi đấu bóng chuyền, chọi dê, thi trâu khoẻ trâu tốt, thi leo núi, kéo co, thi vẽ tranh Động Tiên, thi múa khèn Mông...

Ngoài ra du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản khắp các vùng được đồng bào mang đến như: rượu Cham Chu Ba núi Bảy Đèo của đồng bào Dao Tiền, xã Minh Hương chưng cất từ men lá rừng Cham Chu; nhấm nháp thịt trâu khô xã Yên Phú, đặc sản chế biến từ vịt bầu Minh Hương; cơm lam từ gạo nếp, gạo tám thơm của Phù Lưu, Minh Hương; món cá chép ruộng đặc sản của Nhân Mục; rượu tầm gửi cây nghiến của đồng bào Dao Đỏ xã Minh Khương…

Du khách còn có thể mua các dược liệu quý của đồng bào dân tộc xã Bạch xa, Minh Dân, mật o­ng rừng xã Yên Thuận, Minh Khương, Bạch Xa, Thành Long về làm quà.

Tiềm năng cần đánh thức

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch quần thể Động Tiên, thời gian qua các cấp chính quyền huyện Hàm Yên cũng như tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đầu tư, kêu gọi đầu tư ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm biến Động Tiên thành điểm nhấn du lịch ở Tuyên Quang, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, nhà nghỉ, ăn uống, vui chơi giải trí… phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá.

Năm 2011, Nhà nước đã hỗ trợ, nâng cấp đường vào khu danh thắng Động Tiên với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng. Nhiều công trình nhỏ khác cũng được Ban Quản lý xây dựng như tượng Quan Âm Bồ Tát, lầu Tứ Phương, kè khuôn viên bờ ao Đền Thác Cái, tường rào… với tổng vốn trên 500 triệu đồng (từ nguồn quỹ công đức).

Công tác bảo vệ đền chùa, hang động được chú trọng, huyện đã thành lập một Ban Quản lý Động Tiên và Đền Thác Cái, duy trì việc thực hiện lễ tế trang trọng vào các ngày lễ lớn, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ công trình cho đồng bào quanh vùng. Chính nhờ nỗ lực đó mà trong những năm qua số lượng khách du lịch cũng như doanh thu mỗi năm một tăng lên.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan khu danh thắng thì vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống điện chiếu sáng tuy đã được đưa vào bên trong động nhưng do chất lượng chưa đảm bảo nên thường xuyên bị hư hỏng; nguồn điện lại quá yếu nên hệ thống chiếu sáng dường như không hoạt động, mỗi dịp lễ hội diễn ra thì hầu như các vùng xung quanh phải cắt điện hết thì nguồn điện mới được đảm bảo.

Thắng cảnh Động Tiên rất đẹp nhưng lại không có đội ngũ hướng dẫn viên, đến đây du khách lại phải tự tìm hiểu lấy, điều đó làm mất đi sự huyền ảo, cuốn hút của danh lam thắng cảnh này.

Trong những dịp diễn ra lễ hội thì những mặt hàng mang tính vùng miền, bản sắc còn rất ít, vào ngày thường thì hầu như vắng bóng. Các tour du lịch trong và ngoài tỉnh được mở ra còn khiêm tốn, công tác quảng bá cũng chưa được chú trọng. Các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà khách sạn sơ sài, chưa được đầu tư đúng mức.

Năm 2011, quần thể Động Tiên đón trên 23.000 lượt người, thu gần 430 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Động Tiên đón trên 10.000 lượt khách tham quan, thu trên 680 triệu đồng. Đây là những con số còn khá khiêm tốn đối với tiềm năng của quần thể danh lam thắng cảnh cấp quốc gia này.

Để Động Tiên trở thành một điểm nhấn du lịch, tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang cần đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạch động quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan, các nhà đầu tư. Mặt khác, tăng cường đào tạo, sử dụng đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch, đa dạng hóa các loại hình cũng như dịch vụ du lịch; phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hoá để tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Địa phương cũng cần quan tâm khôi phục các lễ hội truyền thống, phiên chợ vùng cao, bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc làm giàu tiềm năng phát triển du lịch; làm phong phú, đa dạng các sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương.

Năm 2012, tỉnh Tuyên Quang xem phát triển du lịch là một trong những động lực giúp phát triển kinh tế xã hội. Du lịch đã và đang được tỉnh quan tâm, chú trọng phát triển. Đây sẽ là động lực lớn để du lịch Động Tiên ngày càng phát triển, xứng tầm là một danh thắng cấp quốc gia, là “Phong Nha” giữa đại ngàn Tây Bắc.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.