Hợp tác xã Lam Anh: Hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê theo quy trình của Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để giúp các thành viên và đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) sản xuất cà phê sạch bền vững, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản. Theo đánh giá, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Anh Xuân (làng Groi Wêt) cho hay: Trước đây, do không nắm kỹ thuật chăm sóc nên tôi lạm dụng thuốc diệt cỏ và thường xuyên bón phân hóa học dẫn đến đất ngày càng cằn cỗi, cây cà phê phát triển kém. Khi đó, mỗi vụ chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn cà phê nhân/1,5 ha. Từ khi anh tham gia mô hình canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản, vườn cà phê trở nên xanh tốt. “Tham gia mô hình này, tôi được HTX hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cành, để cỏ nhằm giữ độ ẩm cho đất và sử dụng trấu cà phê ủ làm phân bón, phân gà hữu cơ Nhật Bản, thuốc trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học EMI. Với cách làm này, chi phí đầu tư giảm khoảng 30% so với trước và cho thu hoạch gần 5 tấn nhân”-anh Xuân nói.
Anh Xuân (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đak Đoa) tỉa chồi cà phê giúp cây nuôi quả. Ảnh: Lê Nam
Anh Xuân (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đak Đoa) tỉa chồi cà phê giúp cây nuôi quả. Ảnh: Lê Nam
Tương tự, niên vụ 2020-2021, anh Uê (làng Tươh Klah) có 2 ha cà phê tham gia mô hình này. Theo anh Uê, trước đây, chi phí tiền phân, công làm cỏ, tưới, thu hái hết khoảng 130 triệu đồng/năm. Từ khi tham gia mô hình, chi phí đầu tư giảm rất nhiều. Ngoài ra, khi thu hoạch, anh chọn những quả chín để nâng cao chất lượng hạt cà phê. Vụ vừa rồi, gia đình thu hoạch được khoảng 7 tấn nhân, trừ chi phí thì lãi hơn 150 triệu đồng.
Niên vụ cà phê 2020-2021, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với 36 hộ dân (24 hộ là người dân tộc thiểu số) triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản với diện tích gần 70 ha. Mô hình không những giúp cho các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng mà còn tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX-cho biết: Nhiều năm nay, người dân thường có thói quen sử dụng phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác khiến đất đai ngày càng khô cằn, ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, HTX đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản. Mục tiêu là giúp cho người trồng cà phê, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi phương thức canh tác, chuyển sang sản xuất không hóa chất để vườn cây phát triển bền vững.
Anh Uê (bìa trái) và anh Xuân giới thiệu vườn cà phê tham gia mô hình. Ảnh: Lê Nam
Anh Uê (bìa trái) và anh Xuân giới thiệu vườn cà phê tham gia mô hình. Ảnh: Lê Nam
Các hộ dân tham gia mô hình được HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân vi sinh, phân ủ, phân gà hữu cơ Nhật Bản, thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. “Niên vụ cà phê 2021-2022, HTX sẽ liên kết với khoảng 100 hộ để mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho người dân phân bón, thuốc sinh học và bao tiêu sản phẩm. Tiền đầu tư sẽ được HTX khấu trừ khi người dân bán sản phẩm. Đặc biệt, HTX sẽ cam kết thu mua cho người dân cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg nhân xô. Hiện tại, HTX đã xây dựng được sản phẩm cà phê mang thương hiệu Slar Land Coffee và được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP năm 2020”-Giám đốc HTX cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Đak Đoa có hơn 27.800 ha cà phê. Đây cũng là cây trồng chủ lực, chiếm hơn 55% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Quan điểm của huyện luôn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà chủ yếu tập trung các giải pháp để nâng giá trị sản phẩm và sản xuất cà phê bền vững như: tiêu chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ và liên kết chuỗi giá trị. Thời gian qua, nhiều HTX, doanh nghiệp trên địa bàn liên kết với người dân sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao.
“Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo tập huấn cho các HTX, hộ dân để hướng đến sản xuất nông nghiệp không hóa chất để giảm ô nhiễm môi trường, cho ra sản phẩm sạch, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.