Hơn 30 công trình nước sạch 'đắp chiếu'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 30 công trình nước sạch ở tỉnh Đắk Lắk đã ngưng hoạt động trong thời gian dài, trong đó có công trình được đầu tư gần 12 tỷ đồng.
Được đầu tư gần 12 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp nước sạch cho hơn 450 hộ dân ở 3 buôn B'ling, Trắp và buôn Dhun, thế nhưng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) chỉ hoạt động được một thời gian rồi “đắp chiếu”. Công trình trên do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư, xây dựng từ 2017 đến 2019. Sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho UBND xã Cư M’gar quản lý, vận hành.
Nhận bàn giao xong, UBND xã Cư M’gar giao lại cho 3 trưởng buôn B’ling, Trắp và buôn Dhun tham gia quản lý, vận hành nhưng được vài tháng thì trả lại. Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết, các trưởng buôn trả lại vì không thu được tiền của người dân để trả tiền điện. Sau đó, địa phương thành lập Tổ vận hành công trình nước sạch trên nhưng không có chuyên môn, không biết sửa chữa các điểm hư hỏng, lại thêm không thu được tiền của dân nên công trình tiếp tục ngưng hoạt động.
“Số hộ có nhu cầu sử dụng nước từ công trình đã giảm đi rất nhiều, từ hơn 450 hộ đến nay còn khoảng hơn 100 hộ. Tuy nhiên, nhiều hộ chỉ sử dụng vào mùa khô, mùa mưa không có nhu cầu. Có hộ hơn 2 năm chỉ dùng chưa tới 3m3 nước. Chính quyền từng giao cho 1 công ty tư nhân chuyên cung cấp nước nhưng họ làm thời gian thì trả lại vì không hiệu quả.
Hằng năm, chúng tôi đều báo cáo lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar để tổng hợp, kiến nghị cấp trên giao cho Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh) quản lý vận hành”, bà Tiềm thông tin thêm.
Trong khi công trình “đắp chiếu”, để cỏ mọc um tùm gây lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước, nhiều hộ dân vẫn phải chật vật tìm nước sinh hoạt. Nhiều hộ đào, khoan giếng tìm nước nhưng đến mùa khô bị cạn nước. Người dân phải mua nước về nấu ăn, còn nước sinh hoạt thì dùng nước hồ.
Ông Phạm Ngọc Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Đắk Lắk cho hay, đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị về việc bàn giao công trình cấp nước sạch ở xã Cư M’gar cho đơn vị quản lý. Theo ông Bình, khi địa phương có nhu cầu bàn giao thì kiến nghị lên UBND tỉnh chỉ đạo, khi đó đơn vị mới có cơ sở tiếp nhận.
Theo rà soát của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 30 công trình cấp nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp, ngưng hoạt động. Trong đó, công trình cấp nước sạch ở xã Cư M’gar có vốn đầu tư lớn nhất.
Ông Bình lý giải nguyên nhân nhiều công trình bị “đắp chiếu” do đầu tư nhỏ lẻ, người sử dụng ít, trong khi chi phí vận hành cao, thu không đủ chi. Để hơn 30 công trình cấp nước sạch hoạt động trở lại, trung tâm đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh lập phương án xin thêm kinh phí sửa chữa và giao cho các đơn vị có chuyên môn, năng lực quản lý, vận hành.
Về lâu dài, để hoạt động cấp nước sạch được hiệu quả, ông Bình cho biết cần khảo sát kỹ nhu cầu của người dân, đầu tư dự án có quy mô và thực hiện chính sách xã hội hóa, để các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm tham gia đấu thầu, triển khai dự án.
Theo Huỳnh Thủy (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.