Hoa hòe - vị thuốc tốt cho tim mạch, huyết áp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hoa hòe hay còn gọi hòe hoa được trồng vừa làm cây cảnh, vừa làm trà uống và là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp hạ huyết áp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hoa hòe có màu trắng thường được trồng như một loại cây cảnh để làm đẹp cho khu vườn quanh nhà. Không những vậy, trà hoa hòe uống rất thơm và giúp chữa nhiều bệnh lý khác nhau như trĩ, huyết áp cao, mất ngủ… Hoa hòe dùng tốt nhất khi còn ở dạng nụ, do khi còn là nụ, hàm lượng rutin - một loại vitamin P là cao nhất. Nụ hoa sau khi được thu hoạch cần tách ra khỏi cành rồi đem sao thơm.

"Rutin - hoạt chất của hoa hòe, có tác dụng giúp nâng cao độ đàn hồi của mạch máu và giảm tính thấm của mao mạch, giảm trương lực cơ trơn và chống co thắt, giảm tác dụng của adrenalin trong cơ thể. Do vậy, người ta thường dùng hoa hòe để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Theo tài liệu "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, hoa hòe là một cây thuốc nam quý. Phần dùng làm thuốc nụ hoa và quả. Dùng hoa hòe phải dùng vào lúc hoa chưa nở, để lâu năm càng tốt. Khi dùng vào thuốc thì sao vàng để dùng.

Hoa hòe có màu trắng, nên dùng khi hoa còn nụ chưa nở. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Hoa hòe có màu trắng, nên dùng khi hoa còn nụ chưa nở. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Những lợi ích của hoa hòe

Về tính chất hóa học, trong hoa hòe có từ 6-30% rutin (rutozit). Rutin là một glucosit, thủy phân sẽ cho quexitin hay quexetola, glucose và ramnoza. Trong quả cũng có rutin. Rutin là một chất có tinh thể hình trâm nhỏ màu vàng hay trắng vàng, tan chậm trong nước, tan nhiều trong rượu methylic và dung dịch kiềm.

Về tác dụng dược lý, rutin là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Thiếu chất vitamin này, tính chất chịu đựng của thành mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ, hiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C nhưng gần đây phát hiện sự liên quan đối với vitamin P.

Hoa hòe còn có tác dụng cầm máu, rút ngắn thời gian chảy máu. Ngoài ra, hoa hòe có tác dụng giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch, giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch, giúp phòng ngừa xơ mỡ động mạch.

Bác sĩ Vũ cho biết, theo tài liệu của Hoàng Chiêu Đức (Trung Nam y học Tạp chí, 1952), hoa hòe sao đen có tác dụng trị chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt. Ngày dùng 8 - 12g dạng thuốc hãm hoặc sắc.

Hoa hòe sao vàng giúp chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 12 - 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc. Ngày dùng 8-10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5 - 3g dạng bột hoặc viên.

Cách pha trà hoa hòe

Dùng khoảng 20 đến 30g hoa hòe khô, cho vào ấm, sau đó rót nước vừa đun sôi vào, với lượng nước khoảng 300ml, tức là 10g hoa hòe tương đương 100ml nước. Sau đó đợi khoảng 3 đến 5 phút sau khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Nếu hoa hòe chưa chìm xuống là do bạn dùng nước chưa thật sôi. Ngoài ra, có thể cho hoa hòe vào ấm, sau đó bạn đổ nước và đun sôi trong vòng 1 đến 2 phút.

Không chỉ đẹp mà hoa hòe còn là một vị thuốc mang đến nhiều lợi ích trong y học cổ truyền Việt Nam, có thể vừa trồng hoa hòe làm cảnh và vừa thu hái hoa để làm trà uống giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc nên cần chú ý khi sử dụng, nếu không cải thiện kết quả như mong muốn, nên đến gặp thầy thuốc để được tư vấn về ẩm thực hợp lý khi dùng hoa hòe.

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.