Hiểm họa từ xe công nông vẫn tiềm ẩn ở nhiều địa phương tại Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk - Xe công nông là "đầu cơ nghiệp" của người nông dân huyện Cư M'gar nói riêng và trên Tây Nguyên nói chung. Thế nhưng, loại phương tiện này thường không có đèn chiếu sáng, như "cục sắt di động" vào ban đêm, trở thành nỗi khiếp sợ, ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
 
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông. Ảnh: Trung Dũng
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông. Ảnh: Trung Dũng
Nỗi đau do xe công nông
Trên tuyến đường liên xã thuộc thôn 6, xã Ea Kpam xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe gắn máy với xe công nông hồi giữa tháng 5. Vụ tai nạn này đã trở thành nỗi "ám ảnh" đối với những người chứng kiến sự việc.
Do trời nhá nhem tối, hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến đường không bảo đảm... đã khiến bà M, trú tại thị trấn Ea Pôk điều khiển xe gắn máy tông vào đuôi xe công nông đang dừng cùng chiều phía trước. Cú va chạm mạnh khiến bà M bị tử vong tại bệnh viện.
Theo Thiếu tá Lưu Quang Chiến – Trưởng Công an xã Ea Kpam, vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đoạn đường không có đèn chiếu sáng. Còn xe công nông khi đậu bên đường cũng không có tín hiệu gì để người đi đường nhận biết. Mặt khác, người điều khiển xe gắn máy đã lớn tuổi, tầm quan sát và xử lý tình huống chậm... là những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Không riêng gì vụ việc này, theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện Cư M'gar xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, làm 4 người chết, 1 người bị thương.
Thượng úy Nguyễn Đức Cảnh - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự - Công an huyện Cư M’gar cho biết: “Đa số xe máy kéo, công nông đều không có đầy đủ đèn chiếu sáng.  Nếu có thì cũng có ở phía trước, còn phía sau và 2 bên thành thùng không có thiết bị chiếu sáng.
Trong khi đó, các tuyến đường ở khu vực nông thôn thường không có hệ thống điện chiếu sáng. Thế nên, người tham gia giao thông chỉ cần không chú ý quan sát kỹ thì rất dễ va chạm, gây tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển đâm vào đuôi xe công nông. Thời điểm xảy ra tai nạn từ 16h – 18h tối. Hậu quả các vụ tại nạn giao thông thường rất nghiêm trọng. 
 
Lực lượng cảnh sát giao thông nhắc nhở, tuyên truyền cho người điều khiển xe công nông lưu thông an toàn. Ảnh: Trung Dũng
Lực lượng cảnh sát giao thông nhắc nhở, tuyên truyền cho người điều khiển xe công nông lưu thông an toàn. Ảnh: Trung Dũng
Giúp người dân bảo đảm an toàn giao thông
Theo thống kê, toàn huyện Cư M’gar có khoảng 10.000 xe công nông, xe máy kéo. Tìm hiểu thực tế các tuyến đường liên thôn, buôn, xã... trên địa bàn huyện Cư M’gar cho thấy bất cứ thời điểm nào cũng có thể gặp những chiếc xe công nông lầm lũi đi trong bóng tối. Xe công nông không đèn chiếu sáng, không một dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy phương tiện đang di chuyển ở trên đường.
Mặt khác, nhiều xe công nông còn được người dân độ chế thêm vô lăng, không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật. Trong quá trình di chuyển, xe công nông cũng thường xuyên chở hàng hóa cồng kênh, chạy với tốc độ cao... nên trở thành nỗi khiếp sợ đối với người đi đường.
Mặc dù mất an toàn giao thông nhưng loại xe này đang phục vụ đắc lực, thậm chí không thể thay thế trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cho người nông dân Tây Nguyên. 
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông trên đường, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì người điều khiển phương tiện xe công nông, xe máy kéo cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người có phương tiên nên chủ động dán Decal phản quang, hoặc lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn khi đi đường, cũng như hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an huyện Cư M’gar đã và đang có nhiều nỗ lực như: Tăng cường công tác tuyên truyền; tuần tra, xử lý, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ; tiến hành dán Decal cho tất cả các xe công nông trên địa bàn toàn huyện.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.