Hết lòng vì hội viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước khi ghé làng Trek, chúng tôi đã được bà Lương Thị Năm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kdang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), giới thiệu: “Ngay là Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi và tiếng nói của Ngay luôn được chị em tin tưởng, nghe theo. Không chỉ giỏi trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Ngay còn tích cực vận động, tuyên truyền hội viên tham gia các phong trào của Hội cũng như của địa phương…”.

7 năm trong vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ làng Trek cũng là ngần ấy thời gian chị Ngay trăn trở với việc làm thế nào để không còn hội viên phụ nữ nghèo, làm thế nào để chị em trong làng đoàn kết, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc… Đặc biệt, chị luôn quan tâm, gần gũi với mọi người để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó có hướng giúp đỡ, đề xuất với chi bộ, Hội Phụ nữ xã.

 

Ảnh: Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

Thông qua các đợt sinh hoạt, các buổi họp làng, các lần làm vần đổi công, chị đều tranh thủ tuyên truyền, vận động chị em hội viên và nhân dân trong làng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước của thôn làng; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ăn ở phải sạch sẽ; làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Riêng với những hội viên tôn giáo (chi hội có 15 hội viên tôn giáo), chị cũng vận động mọi người không theo các tà đạo, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, đoàn kết, yêu thương nhau để cùng xây dựng thôn làng giàu đẹp. “Sau khi được tuyên truyền, vận động, hầu hết chị em hội viên trong chi hội đều đã đồng tình hưởng ứng, 2 nhóm đạo trong làng đều sống tốt đời đẹp đạo, hội viên tham gia đầy đủ các buổi họp, các hoạt động của làng; hai năm trở lại đây trong làng không còn hộ sinh con thứ 3, hiện làng có 29 hộ đạt gia đình văn hóa...”- chị Ngay cho biết.

Làng Trek hiện có 55 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số 61 hộ dân, hội viên phụ nữ có 57 chị (hiện còn 11 hội viên nghèo). Đối với những hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chị đều đứng ra vận động mọi người đóng góp tiền, gạo, ngày công để giúp đỡ. Cá nhân chị cũng không ít lần tự bỏ tiền túi ra để mua gạo, quần áo, thuốc men hỗ trợ cho nhiều chị trong cơn hoạn nạn. Cách đây chưa lâu, chị Ngay đã đề xuất với chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chị Yăm có hoàn cảnh khó khăn: chồng bị tàn tật, chị Yăm thường xuyên đau ốm, con cái không có, nhà ở tạm bợ. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 20 triệu đồng, Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 35,2 m2 tôn để xây nhà, chị Ngay tiếp tục vận động hội viên phụ nữ trong làng giúp ngày công lao động,  mỗi ngày 3 người phụ hồ cho thợ xây để giảm bớt chi phí, tăng thêm tiền mua vật liệu để ngôi nhà rộng hơn. Trước đó, chị cũng vận động hội viên  trong chi hội đóng góp được 72 kg gạo và 2,4 triệu đồng cho gia đình chị Hnhãi lo tang lễ và xây nhà mồ cho chồng mới chết vì tai nạn giao thông; giúp nhà chị Mlai 100 kg gạo và 6,5 triệu đồng để xây dựng nhà mồ… Bên cạnh đó, hàng năm chị cũng vận động nhân dân trong làng và các hộ kết nghĩa đóng góp tiền, ngày công lao động để sửa chữa đường, cầu cống, nạo vét kênh mương và giúp nhau làm cà phê, cao su tiểu điền…

Không chỉ giỏi công tác xã hội, chị Ngay còn là phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế, điển hình là bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất-kinh doanh giỏi, giai đoạn 2007-2012 được chị treo khá trang trọng trong căn nhà khang trang. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, chị từ chối khéo: So với nhiều chị em khác, kinh tế gia đình mình chưa bằng đâu! Nói là thế, song sau một hồi trò chuyện, chúng tôi biết được, hiện gia đình chị đang “sở hữu”: 1,4 ha cà phê đang thu hoạch, gần 1 ha cao su tiểu điền đang chuẩn bị đưa vào khai thác, gần 1 ha mì và hơn 1 ha bời lời đang cho thu hoạch…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm