Hành trình vừa mới bắt đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lại một kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa vừa khép lại. Ở góc độ nào đó, có thể nói các sĩ tử đã “vượt vũ môn” sau chừng ấy năm đèn sách, dù chưa biết có đỗ đạt vinh hiển hay không. Trong tâm thế đợi chờ kết quả cuối cùng, phải chăng các bạn trẻ cũng đang thở phào vì nghĩ rằng mình đã kết thúc một hành trình.

Không chỉ với một sĩ tử vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình, mà tất cả chúng ta, một khi đã lấy sự học làm trọng thì lúc nào cũng thấy hành trình chỉ vừa mới bắt đầu. Ảnh: Mộc Trà
Không chỉ với sĩ tử vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà tất cả chúng ta, một khi đã lấy sự học làm trọng thì lúc nào cũng thấy hành trình chỉ vừa mới bắt đầu. Ảnh: Mộc Trà

Quả thật, tính từ ngày bước chân vào lớp 1, chớm quen với bảng chữ cái và chữ số, 12 năm nhìn lại là một chặng đường dài. Dài với những nỗ lực học hành-rèn luyện-trau dồi của mỗi thí sinh và dài với bao lo toan-vất vả-gồng gánh song hành của cha mẹ. 12 năm “đi lại” giữa gia đình và nhà trường, chắc các em cũng đã dành dụm được ít nhiều, cái mà người ta hay gọi là hành trang vào đời. “Cõng chữ” bao giờ cũng nặng. Hễ vượt qua một kỳ thi lại thấy nhẹ người đi. Nhưng nếu nghĩ được rằng sự học còn dài thì việc tốt nghiệp THPT xét cho cùng vẫn chỉ là một cuộc thử sức đúng nghĩa chứ chưa phải bước ngoặt mang tính quyết định. Nhất là khi bản thân còn ham học. Tất nhiên phải học! Vì “không học thì không biết rõ đạo”!

Chỉ một kỳ thi mà mở ra muôn vàn lựa chọn.Điểm thi được công bố, ô cửa nào dẫn đến cả chân trời. Nhưng trước mắt, các em sẽ phải vượt thoát những hạn hẹp, bó buộc của 12 năm phổ cập tri thức, 12 năm ứ đọng chữ nghĩa mà vẫn thấy mình thiếu hụt một điều gì đó. Trong hàng triệu sĩ tử hôm nay, có đôi mắt trông mạnh dạn mà vẫn rụt rè, có nụ cười tưởng tự tin mà hãy còn lo sợ. Cái điều non nớt, lúng túng ấy thật khó lòng che đậy ở một bạn trẻ chỉ vừa mười tám, đôi mươi. Thanh xuân được dệt bởi ước mơ và niềm hy vọng. Lý thuyết về tương lai bao giờ cũng sáng rỡ. Em này sẽ là bác sĩ. Người đau ốm, bệnh tật rất cần các bác sĩ tận tâm. Em kia sẽ là giáo viên. Những đứa trẻ hồn nhiên mai này rất cần một người thầy tận tụy... Nhưng nếu đã xác định “tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng và cũng không nghi ngờ gì cả” thì xin được nói rằng phía trước các em là bầu trời rộng mở, nhưng đó cũng là một khoảng trống.

Tại sao lại là khoảng trống khi mỗi bạn trẻ hôm nay đã dự tính học lấy một ngành nghề có thể đem lại giá trị sống cao đẹp cho bản thân, cộng đồng? Viễn cảnh tương lai đã hé mở và các em có đủ tố chất để biến ước mơ thành sự thật. Song xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều thách thức và biến động khôn lường. Ở đó, sẽ chẳng có điều gì là rõ ràng và chắc chắn tuyệt đối. Cuộc sống ngập tràn những điều bí ẩn. Còn chúng ta dễ sa vào nhầm lẫn, mơ hồ giữa cái được-mất, đúng-sai. Trong khi ý nghĩa cuộc đời, nói như nhà văn Márai Sándor, chính là sự thật. Các em hãy xem như ô cửa trước mắt mình mở ra một khoảng trống, để không chới với khi có biến cố nào đó bất ngờ ập đến. Hãy nghiêm túc với lựa chọn ban đầu của mình nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi nếu thật sự cần thiết. Xã hội tri thức với sự chuyển mình đến ngỡ ngàng của dòng chảy công nghệ rất cần những con người nhanh nhẹn và thông minh. Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy. Có lẽ, các em cũng đã sớm nghĩ về điều đó. Nhưng thông minh không có nghĩa là chỉ giỏi đối phó, “giỏi thích ứng và giải quyết các tình huống bất ngờ của cuộc sống một cách mềm dẻo nhất thời” mà bỏ quên yếu tố tĩnh lặng, chiêm nghiệm. Trong thời buổi mà sức mạnh của đám đông dễ cuốn mọi thứ đi xa thì làm sao để “nhanh” mà không “ẩu” là cả một hành trình học hỏi và tích lũy.

Lời khuyên bao giờ cũng vậy, không có thì thiếu mà có thì lại quá thừa. Mỗi bạn trẻ tự khắc sẽ có cuộc đi riêng mình. Không còn đơn thuần là “đi lại” trong không gian hạn hữu giữa gia đình và nhà trường nữa mà phải bước ra thế giới bên ngoài, chứng kiến những điều chưa bao giờ thấy. Như thể đứa bé lần đầu xa mẹ, bước chập chững ra khỏi ngạch cửa nhà mình, tiến về phía một khu rừng để ngước nhìn ánh hoàng hôn lạ lẫm. Phải chăng, tới đây, việc đầu tiên mà các em cần làm là cất mình lên, sống một cuộc đời đậm đầy hơi thở, đậm đầy năng lượng. Tức phải biết rung động, biết “sống cho những nhu cầu có thật”. Trên hành trình tìm hiểu thế giới xung quanh và tự khám phá bản thân mình, không còn cách nào hơn là phải sống. Chỉ có trong sự sống đúng nghĩa mới tồn tại những điều kỳ diệu, mới là không gian đích thực để các em tự khẳng định mình. Nên nhớ rằng “trường học có thể chọn sai người xuất sắc nhất nhưng cuộc sống thì không”.

Nếu xem cuộc đời là một hành trình thì có lẽ ai cũng sẵn sàng rong ruổi. Không chỉ với một sĩ tử vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình, mà tất cả chúng ta, một khi đã lấy sự học làm trọng thì lúc nào cũng thấy hành trình chỉ vừa mới bắt đầu.

 

LỮ HỒNG

 

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.