Đắk Lắk đang hướng tới mục tiêu phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn; vươn lên nhóm 25 tỉnh, thành phát triển thịnh vượng nhất của cả nước.
Ngược dòng lịch sử
Theo nhiều tài liệu khảo cổ học, con người xuất hiện trên vùng Tây nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng từ hàng ngàn năm trước. Một thời gian dài sau công nguyên, vùng đất này diễn ra tranh chấp của nhiều thế lực lân bang… Cuối thế kỷ 19, Tây nguyên trở thành vùng đất thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp. Một số nghiên cứu lịch sử ghi nhận thời điểm này nhiều giáo sĩ, sĩ quan người Pháp đã có mặt, khảo sát, thám hiểm vùng đất Tây nguyên.
TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được định hướng xây dựng thành đô thị trung tâm vùng Tây nguyên. Ảnh: Trung Chuyên |
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Đắk Lắk. |
Bác sĩ Yersin, người phát hiện cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt), đã nhiều lần đến Đắk Lắk. Năm 1892, ông gặp tù trưởng Khun Ju Nôb, "vua săn voi" nổi tiếng ở Buôn Đôn, rồi theo đường sông Sêrêpốk đi tới Stung Treng (Campuchia)… Cuối năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập đại lý hành chính Đắk Lắk, trụ sở tại Buôn Ma Thuột.
Ngày 22.11.1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Từ đây, Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và là một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Nằm ở vị trí chiến lược của vùng Tây nguyên, Đắk Lắk đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk tháng 3.1975 đã mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Đắk Lắk thực sự phát triển và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của vùng Tây nguyên, được ví như "thủ phủ" của vùng này.
Vươn lên nhóm 25 tỉnh đứng đầu
Theo thống kê mới nhất, năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (GRDP - giá so sánh năm 2010) ước đạt 60.792 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người hơn 62 triệu đồng. Tổng diện tích cây trồng của Đắk Lắk gần 680.000 ha; trong đó, cà phê đứng đầu cả nước, với 213.000 ha. Sản lượng lương thực có hạt hơn 1,3 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1,6 tỉ USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê. Ngành công nghiệp từng bước khai thác tiềm năng, với điểm sáng là sản xuất điện; hiện đã có 2 dự án điện gió, tổng công suất 429 MW, 10 dự án điện mặt trời công suất 1.024 MWp.
Điện gió, điện mặt trời phát triển trên vùng chuyên canh cà phê Đắk Lắk |
Đến nay, 100% số xã ở Đắk Lắk có đường ô tô đến trung tâm; nhựa hóa hoặc bê tông hóa 96,6% tuyến đường tỉnh, 95,14% đường huyện, 70% đường xã. Đặc biệt, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh; tạo động lực phát triển của hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và cả khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ…
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhận định: Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây nguyên, quy mô dân số khoảng 2 triệu người, với 49 thành phần dân tộc anh em. Kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đứng đầu khu vực Tây nguyên. Kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các chính sách xã hội được triển khai hiệu quả. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh. Quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh và ngày càng mở rộng...
Ông Nghị cho biết mục tiêu phấn đấu của Đắk Lắk đến năm 2050 là trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo; là điểm đến yêu thích đáng sống; người dân văn minh, thân thiện, hội nhập. Tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn; quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh, thành phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh; 84 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (23.11.1940 - 23.11.2024);
49 năm ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10.3.1975 - 10.3.2024). Ông Phạm Ngọc Nghị khẳng định phong trào thi đua này nhằm lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một Đắk Lắk vươn lên, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Tây nguyên; quảng bá hình ảnh tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vùng đất và con người Đắk Lắk đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế; phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh làm nòng cốt, hạt nhân để lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước; mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, triển khai xây dựng ít nhất một mô hình tiêu biểu, một công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk; đồng thời, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn", ông Nghị kêu gọi.
Theo Sở KH-ĐT Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án, công trình lớn được chọn hoàn thành trong năm 2024 để chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh. Đó là dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột; dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk; dự án hồ thủy lợi Ea Tam; công viên Nguyễn Tất Thành (TP.Buôn Ma Thuột); và đề án xây dựng 1.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.