Hàng không Việt ước tính thiệt hại 25.000 tỉ đồng do dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỉ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng.

 

Hàng không Việt ước tính thiệt hại 25.000 tỉ đồng - Ảnh: Đ.T.Đ
Hàng không Việt ước tính thiệt hại 25.000 tỉ đồng - Ảnh: Đ.T.Đ




Báo cáo tại cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng nay, 27.2, đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch Covid-19, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khiến thiệt hại các hãng hàng không nặng nề hơn.

Từ cuối tháng 1, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến 26.2, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Trung Quốc đã cắt toàn bộ chuyến bay, Đài Loan đã cắt giảm 25% số chuyến bay (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần trước đó), trong đó, các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2018).

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không - Ảnh Đ.T.Đ
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không - Ảnh Đ.T.Đ



Hồng Kông đã cắt giảm 69% số chuyến (còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (trước đây là 47 chuyến/tuần).

Với thị trường Nhật Bản, hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.

Riêng với thị trường Hàn Quốc, hiện đã cắt giảm 47% số chuyến bay (còn 309 chuyến/tuần so với 579 chuyến/tuần), trong đó các hãng Việt Nam cắt giảm 41% chuyến bay. Sản lượng vận chuyển đã giảm nghiêm trọng từ trung bình 26.000 khách chỉ còn 8.000 - 12.000 khách/ngày (giảm 54 - 70%).

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay, VNA cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á... cũng như các mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh.

Hiện đang ngày càng nhiều đoàn khách huỷ chuyến. Hãng này phải điều chỉnh phương án khai thác, huỷ toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc lục địa, Macao, Hồng Kông, giảm tần suất bay, giảm tải cung ứng trên các đường bay đi hầu hết thị trường quốc tế khác.

Theo ước tính sơ bộ, dịch bệnh có thể tác động làm giảm doanh thu của các hãng Việt Nam khoảng 25.000 tỉ đồng.

Kịch bản nào cho thị trường hàng không?

Cục Hàng không cũng lên 2 kịch bản của thị trường hàng không: trường hợp khả quan nhất dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế, giảm 28,3%; và 35,3 triệu khách nội địa, giảm 5,5%; tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% cùng kỳ).

Trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, với ước tính huỷ toàn bộ các chuyến bay đến/đi Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế và 35,3 triệu khách nội địa; tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách, giảm 17% so cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, các đơn vị cần nắm chắc số liệu thiệt hại của các doanh nghiệp hàng ngày, hàng tuần để báo cáo lên Bộ, đề xuất giải pháp lên Chính phủ. Để khắc phục thiệt hại, người đứng đầu Bộ GTVT cũng gợi ý có thể mở thêm các tuyến quốc tế mới: “48 quốc gia có dịch thì đa số rơi vào nước lạnh, vùng nóng lây nhiễm hạn chế hơn, nên tăng cường các đường bay đến các vùng nóng như Ấn Độ. Riêng Ấn Độ có 1,3 tỉ dân, tại sao có 56 đường bay đi Trung Quốc mà Ấn không mở đường bay tới 40-50 thành phố, mở được sẽ tạo thêm thị trường mới”.

Cũng theo Bộ trưởng Thể, hàng không nội địa lâu nay ưu tiên mở tuyến nước ngoài lợi nhuận cao, nhưng hiện nay khi các đường bay ngoại đang dừng, cần tăng khai thác nội địa tới các sân bay nhỏ như từ Cần Thơ đi Tây Nguyên.

Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn, các hãng có thể tái cơ cấu đội máy bay, máy bay cũ thì tìm cách xử lý, thanh lý. Hợp đồng đã ký mua bán thì kéo dài thời gian nhận tàu, để chậm chậm lúc này tốt cho doanh nghiệp, đàm phán giảm giá thuê và dừng hợp đồng thuê...

 


Báo cáo của Tổng cục Đường bộ cho biết, số lượng xe xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm mạnh so cùng kỳ. Một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà... Đặc biệt, riêng Khánh Hoà, sản lượng vận chuyển khách vận tải du lịch giảm 70%...




Theo Mai Thu (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.