Hàn Quốc tản mạn ký

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đi du lịch nước ngoài, hầu như ai cũng háo hức tìm kiếm cái cảm nhận trực quan đầu tiên về cảnh quan, đất nước, rồi đến  văn hóa, con người… nơi nào mình đến. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, không hiểu sao khi đến Hàn Quốc, trong tôi cái ấn tượng đầu tiên lại chỉ loay hoay về chuyện ăn, chuyện uống, chuyện về đá và về phụ nữ… ở xứ Hàn.  

Kim chi-Vị của bàn tay mẹ

Trên chuyến bay thẳng suốt 5 giờ liên tục từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đến Sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc) rồi đến quán ăn sáng ở Seoul, chúng tôi được mời thưởng thức món mì Udon nổi tiếng. Thì ra, cái món mì Udon này chẳng khác mấy bánh canh của mấy bà gánh rong ở Gia Lai. Nhưng điều gây tò mò và ấn tượng cho tôi chính là cách ăn của mì Udon, ăn kèm gần chục loại kim chi và súp rong biển!

 

Ảnh: Quốc Ninh
Ảnh: Quốc Ninh

Từ khởi đầu về cái sự ăn như thế, trong suốt thời gian lưu lại ở xứ Hàn, cũng là chuỗi ngày cứ mỗi bữa ăn của chúng tôi dù bất luận ăn món gì cũng kèm theo cả chục thứ từ kim chi và rong biển. Tại sao lại thế? Lân la hỏi hết hướng dẫn viên, lái xe và những cư dân trên đảo Jeju thì tôi vỡ lẽ: ăn kim chi và rong biển là văn hóa ẩm thực bản địa, gắn với truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại và đậm chất liêu trai.

Truyền thuyết “đẻ đất, đẻ nước” ở Hàn Quốc kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, khi mà trời đất xứ Hàn còn chưa có con người sinh ra-trên bán đảo này có một con gấu, được thần nhà Trời ban cho 20 nhánh tỏi và bảo “hãy ăn và tránh ánh sáng ban ngày trong 100 ngày. Nếu làm được như thế thì sẽ biến thành người”. Gấu đã làm theo và 100 ngày sau thì biến thành một cô gái đẹp. Cô gái này kết hôn cùng con trai Ngọc Hoàng… Người mẹ sinh ra được cả trăm người con, thức ăn ban đầu của người mẹ chỉ là rong biển cỏ cây hoa lá. Bởi thế, những giọt sữa đầu tiên mà tổ tiên người Hàn dành nuôi con được kết tinh từ tình yêu của người mẹ và từ vị tinh khôi của rong biển mà thành. Theo tín ngưỡng, người Hàn thường nấu canh rong biển (Miyeokguk) dâng lên bà Mụ cầu ước để “mẹ tròn con vuông”. Còn phụ nữ Hàn trước khi sinh khoảng một tuần đều trải rong biển để gối đầu, sau khi sinh sẽ dùng phần rong biển này nấu canh ăn mong thêm sức mạnh và may mắn... Trong tâm linh của người Hàn Quốc, rong biển mang ý nghĩa “chào đời” nên khi kỷ niệm sinh nhật, người Hàn vẫn thường ăn một bát canh rong biển vào sáng sớm để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành đã cho mình sinh ra ra trên cõi đời này.

Còn Kim chi (Kimjang), cũng khởi nguồn từ những nhánh tỏi ấy (theo truyền thống muối kim chi phải có tỏi). Có 95% người dân Hàn Quốc ít nhất cũng ăn kim chi một lần trong một ngày, 80% người tự biết làm kim chi. Nhất là người mẹ luôn là người làm kim chi cho cả gia đình, bởi thế kim chi là kết tinh của tấm lòng  người mẹ, được vinh danh Kim chi-vị của bàn tay mẹ. Cũng vì lẽ đó, kim chi được người Hàn Quốc tôn vinh thành Quốc bảo, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa” của nhân loại.

Đảo Jeju “con gà đẻ trứng vàng”

 

Ảnh: Quốc Ninh
Ảnh: Quốc Ninh

Người Hàn có câu: Bất cứ người Hàn Quốc nào ở độ tuổi đến trường cũng đều được học về lịch sử văn hóa của đảo Jeju. Còn đối với khách du lịch nước ngoài thì nhận được lời khuyên: Đến Hàn Quốc mà chưa đến đảo Jeju thì coi như chưa… đến Hàn Quốc. Còn cô hướng dẫn viên Minh Nguyệt người Hàn gốc Việt thì nói như khoe về đảo tự trị Jeju là “con gà đẻ trứng vàng” cho xứ sở kim chi! Vậy Jeju có gì hấp dẫn?

Đảo có diện tích tự nhiên 1.850 km2, dân số chỉ khoảng 600.000 người, trong đó 70% sống và làm giàu nhờ vào du lịch, còn 30% làm nông nghiệp, chủ yếu là hái nấm linh chi, mật ong rừng… nuôi ngựa để nấu cao làm thuốc. Đảo mỗi năm đón gần 10 triệu lượt khách du lịch, chưa kể khách du lịch trong nước. Sân bay Quốc tế Jeju cứ 5 phút lại có một chuyến máy bay cất-hạ cánh. Là nơi lý tưởng của du khách thưởng lãm và cho những cặp đôi đến tận hưởng tuần trăng mật, bồng lai giữa những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ với ngọn núi Hallasan cao 1.950 mét và ngọn núi lửa Seongsan (Thành Sơn). Ở đây còn có 360 ngọn núi lửa “vệ tinh”.

Chỉ với 3 ngày và 2 đêm ngủ ở đảo Jeju nhưng cũng đủ cho tôi lang thang khám phá: Con đường huyền bí đá đen với ô tô tắt máy vẫn tự trôi ngược… dốc 30o! Tham quan công viên tình yêu đầy phồn thực nhưng đậm chất nhân văn; tham mỏm đá đầu rồng-biểu tượng tâm linh của cư dân trên đảo… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất ấy là thăm làng văn hóa dân tộc Songup dưới chân núi Halallsan. Sự hấp dẫn của cái làng này với chúng tôi không chỉ vì sự tò mò về nơi nàng De Checum (Đê Chang Kưm) bị  lưu đày… mà hơn thế, ở đây có bao điều khác lạ.

…Và cổ tích

 

Ảnh: Quốc Ninh
Ảnh: Quốc Ninh

Vào làng, thoạt nhiên chúng tôi được Trưởng làng Songup là chị Kim Hisuk đón tiếp, một làng cổ có khoảng 2.000 dân. Rằng đảo Jeju của chị có 3 cái nhiều: là gió (tứ phía là biển), đá (do hàng trăm ngọn núi lửa tuôn trào mà thành) và nhiều phụ nữ! Câu chuyện của Trưởng làng Kim Hisuk thật sự đã đưa chúng tôi về quá khứ bi thương nhưng đầy tự hào của đảo Jeju.  

Chuyện kể rằng: Xưa kia, đàn ông Hàn phải đi đánh cá trên biển và ra chiến trận thường không mấy người trở về. Đàn ông trở nên hiếm quý. Một người đàn ông phải lấy đến 4-5 người vợ. Họ được gọi là “Hoangpadi” (tức là ông vua trong nhà) chỉ ăn, uống rượu và làm… chồng! Còn phụ nữ phải làm lụng vất vả quanh năm kể cả mò ngọc trai dưới đáy biển. Từ 10 tuổi phụ nữ phải lên đỉnh Halallsan lấy nước ngọt và kiếm sống cho cả gia đình. Biểu tượng người phụ nữ đeo gùi, vò võ lam lũ chứa đựng cả lịch sử của phụ nữ ở đảo Jeju. Thật ra, bất cứ ai đặt chân lên đảo, sẽ hưởng ngay gió thổi, thấy ngay đá và công năng của đá: đá xây nhà, tường rào đá, đá ngăn bờ ruộng, ngăn sóng dữ… ngay cả đất làm vườn, đá cũng chiếm hai phần chỉ một phần là đất, nhưng cây thì vẫn tốt tươi đến lạ… Nhưng tượng đá người phụ nữ mang gùi nước hiện diện khắp nơi mới thực sự là biểu tượng của đảo Jeju.

Bây giờ, đời sống của người dân đã thay đổi nhiều, đi trên đường phố thuộc hai khu trung tâm Jeju và thành phố Seokwiposi, lữ khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà kín cổng cao tường. Dù vậy, ở Jeju vẫn thanh bình đến nao lòng. Trong những ngôi nhà được bao quanh là bức tường đá chen lẫn hoa đỗ quyên là lòng người thân thiện, hiếu khách. Một vùng đất không có ăn xin, không có ăn cắp, nhà không có cửa lớn, nhưng lúc nào cũng đầy gió, nhiều đá và lòng người vẫn hiện hữu như cổ tích hôm nay.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.