Gỗ quý bị đốn hạ, thú rừng bị sát hại trong rừng đặc dụng Đray Sáp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian qua, người dân ở huyện Krông Nô, Cư Jút của tỉnh Đắk Nông đồn thổi nhau về việc muốn mua gỗ quý hay ăn thịt thú rừng thì hãy đến Khu vực rừng đặc dụng Đray Sáp là dễ kiếm nhất. Từ những thông tin này, chúng tôi đã thâm nhập khu rừng đặc dụng và phát hiện nhiều cây gỗ quý đã bị đốn hạ, thú rừng bị giăng bẫy sát hại...
Gỗ bị đốn hạ trong rừng Đray Sáp. Ảnh: Bảo Lâm
Gỗ bị đốn hạ trong rừng Đray Sáp. Ảnh: Bảo Lâm
Gỗ quý bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ trong khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Ảnh: Bảo Lâm
Gỗ quý bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ trong khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Ảnh: Bảo Lâm
Từ khai thác gỗ
Sau quá trình tìm hiểu, chúng tôi được một người dân địa phương nhận lời dẫn đường thâm nhập Khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Xuất phát từ thác Gia Long, chúng tôi được người dân dẫn vào đến hang động núi lửa Krông Nô (thuộc các điểm dừng chân của Công viên địa chất toàn cầu Ðắk Nông).
Trên đường đi, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự thật rừng đặc dụng Đray Sáp đang bị “xâm hại” rất nhiều. Tại khu vực hang C3, một thân cây trước cửa hang bị gãy đổ, có đường kính khoảng 2 người lớn ôm không xuể với chiều dài khoảng 20m. Cây bị đổ, có dấu hiệu bị hun lửa đốt cháy dần gốc.

Thay vì sử dụng cưa máy, lâm tặc còn sử dụng biện pháp đốt hạ cây rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Thay vì sử dụng cưa máy, lâm tặc còn sử dụng biện pháp đốt hạ cây rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Người dẫn đường phân tích, cây gỗ quý này nằm cạnh hang C3, có nhiều khách du lịch qua lại. Thế nên, lâm tặc sợ bị phát giác nên không dám cửa xẻ trực tiếp. Có thể lâm tặc đã dùng biện pháp hun lửa đốt cháy gốc để cây tự đổ rồi sẽ tính toán thu dọn lấy gỗ sau.
Đi bộ sâu vào phía trong rừng, chúng tôi phát hiện thêm một cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm bị đốn hạ. Hiện nay, phần thân chính của cây đã bị cắt mang ra khỏi rừng. Tuy nhiên, trên gốc cây để lại kí hiệu “HKL-NN”. Theo nhiều người có kinh nghiệm đi rừng, ký hiệu “HKL-NN” có thể do ngành chức năng phát hiện và lập biên bản.

Một cây gỗ bị cưa xẻ đã được đánh dấu ký hiệu. Ảnh: Bảo Lâm
Một cây gỗ bị cưa xẻ đã được đánh dấu ký hiệu. Ảnh: Bảo Lâm
Cách cây gỗ có ký hiệu này vài trăm mét tiếp tục có thêm một cây gỗ quý khác cũng bị đốn hạ. Cây gỗ quý này đã bị cưa xẻ thành từng khúc dài khoảng 4m. Ở gốc cây mới bị cưa hạ này không có kí hiệu như cây trước đó. Cây gỗ này có đường kính khoảng 50 cm, dài trên 10m, vỏ còn chảy nhựa.
Trong khoảng thời gian ngắn, chỉ mất vài chục phút đi bộ theo chỉ dẫn của người dân nhưng chúng tôi đã phát hiện nhiều cây rừng bị đốn hạ, vết cưa còn rất mới. Xen lẫn với những cây gỗ mới bị đốn hạ còn có thêm nhiều cây gỗ khác bị cưa xẻ, nằm ngổn ngang có dấu hiệu bị rêu mốc, mục nát.

Cách cây gỗ có ký hiệu không xa tiếp tục có thêm những cây gỗ khác bị cưa hạ. Ảnh: Bảo Lâm
Cách cây gỗ có ký hiệu không xa tiếp tục có thêm những cây gỗ khác bị cưa hạ. Ảnh: Bảo Lâm
Như vậy, việc phá rừng ở khu vực này đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Điểm chung của các vụ phá rừng này là phần thân cây đã được lâm tặc vận chuyển đi đến địa điểm khác.
Điều đáng nói, tại những địa điểm bị chặt phá này có rất nhiều biển cấm phá rừng, nằm trên đường vào thác Gia Long, đường vào hang động núi lửa Krông Nô… Từ địa điểm cây rừng bị chặt hạ tới Trạm quản lý và Bảo vệ rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp ước tính khoảng cách tầm 4 km.

Một cây gỗ khác bị cưa hạ tự lâu, thân gỗ đã bị rêu, mốc. Ảnh: Bảo Lâm
Một cây gỗ khác bị cưa hạ tự lâu, thân gỗ đã bị rêu, mốc. Ảnh: Bảo Lâm
Người dẫn đường cho biết, những cây rừng vừa mới bị chặt hạ đều thuộc dạng quý hiếm, có giá bán cao trên thị trường.

Gỗ bị đốn hạ nằm la liệt trong rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Gỗ bị đốn hạ nằm la liệt trong rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Đến tận diệt thú rừng
Theo người dân địa phương, vài năm qua, bên cạnh việc cây rừng bị đốn hạ thì các đối tượng còn vào rừng đặc dụng Đray Sáp săn bắt thú rừng.
Trước khi dẫn chúng tôi chứng kiến bầy thú rừng, người dân địa phương căn dặn phải đi đứng cẩn thận, từ từ quan sát chứ đạp vào bẫy thú bất cứ lúc nào không hay.

Một con thú rừng bị giây cáp diết chết giữa rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Một con thú rừng bị giây cáp diết chết giữa rừng. Ảnh: Bảo Lâm
Trên đường đi, chúng tôi hết sức hãi hùng, bẫy thú được lắp đặt với mức độ dày đặc, thậm chí còn được bố trí với cách nhau khoảng từ 1 - 3m. Với cách giăng bẫy theo kiểu “khủng bố” này thật khó để cho con thú nào có thể thoát thân khi lạc vào trận địa đã được bố trí sẵn này.
Trên đường đi, người dẫn đường cho chúng tôi khẳng định khu vực này thường xuyên có nhóm người ra vào. Họ đến đây mỗi ngày và lắp đặt hàng trăm chiếc bẫy thú. Ngay trong trận địa được giăng kín bẫy thú này, chúng tôi phát hiện một xác heo rừng nặng khoảng 20 - 25 kg, đang bị phân huỷ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Trên cổ con heo rừng vẫn còn dính sợi dây cáp do thợ săn giăng bẫy.

Nhiều cây gỗ quý đã bị đốn hạ nhưng chủ rừng thông tin chỉ có một cây? Ảnh: Bảo Lâm
Nhiều cây gỗ quý đã bị đốn hạ nhưng chủ rừng thông tin chỉ có một cây? Ảnh: Bảo Lâm
Về việc này, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (đơn vị quản lý Khu rừng đặc dụng Đray Sáp) cho biết, khu vực trên “chỉ có 1 cây bị chặt” và đã được đơn vị lập biên bản. Do quy định 1 tháng mới báo cáo 1 lần nên sự việc cây rừng bị chặt hạ này vẫn chưa báo cáo lên tỉnh. Trước sự việc báo chí phán ánh, chúng tôi sẽ cho cán bộ đến kiểm tra và thông tin lại.
BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm