Gìn giữ lễ hội văn hóa Tây Bắc trên quê hương Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng, năm Giáp Thìn 2024), tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, nơi có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống, Trung tâm Văn hóa, Thông tin huyện phối hợp cùng UBND xã An Nhơn tổ chức Lễ hội Lồng Tồng. Hàng ngàn đồng bào các dân tộc nơi đây nô nức đi trẩy hội. 
Mâm cỗ Tết của người Tày gồm các món ăn truyền thống được chế biến công phu, đẹp mắt.

Mâm cỗ Tết của người Tày gồm các món ăn truyền thống được chế biến công phu, đẹp mắt.

Khai mạc lễ hội, ông Lưu Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã An Nhơn nhấn mạnh, từ năm 1990 - 1995, đồng bào Tày, Nùng từ miền núi phía Bắc vào An Nhơn lập nghiệp. Tổng dân số toàn xã hiện có 4.300 người với 960 hộ, 6 dân tộc sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mạ, Hoa, Dao; riêng người Tày, Nùng chiếm 70% dân số toàn xã.

Lễ hội Lồng Tồng được xã An Nhơn tổ chức mỗi dịp đầu năm nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, qua đó khẳng định tinh thần đoàn kết, gắn bó của các cộng đồng dân cư. Lồng Tồng trong tiếng Tày, Nùng có nghĩa là xuống đồng, là hội cầu mùa được người Tày, người Nùng ở miền núi phía Bắc đón chờ nhất trong năm. Dịp này, người dân từ già đến bé mặc những bộ quần áo đẹp nhất cùng tụ tập vui chơi trên khoảng đất rộng trong làng. Lễ hội Lồng Tồng là lễ báo cáo thành quả năm qua với thần nông, đồng thời xin ban những gì tốt đẹp cho nông nghiệp trong năm mới, cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, mùa vụ bội thu, nhà nhà no đủ, vạn vật sinh sôi.

Nhiều sản phẩm được bày bán ở các gian hàng của lễ hội.

Nhiều sản phẩm được bày bán ở các gian hàng của lễ hội.

Ông Lưu Văn Phượng khẳng định: “40 năm qua, nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương mới ngày một giàu đẹp. Trên quê hương mới Đạ Tẻh, Lâm Đồng, người Tày, Nùng cùng các dân tộc anh em không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi gian khó ban đầu, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Lễ hội có phần nghi lễ chúc Xuân cầu mùa diễn ra trang trọng, với các nghi thức cầu cúng, tạ ơn các vị thần Nông, thần Nước, thần Núi phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, gia súc phát triển, bản làng bình yên, nhà nhà no ấm, đủ đầy. Con trâu cùng người nông dân xuống đồng cày những đường cày đầu tiên mong một năm no đủ.

Các Trưởng thôn dâng hương tạ ơn thần Nông.

Các Trưởng thôn dâng hương tạ ơn thần Nông.

Phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, người dân cùng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Thi mâm cỗ Tết, cấy, ném còn, bắt vịt, chơi đu, giới thiệu các đặc sản địa phương...

Múa rồng, múa lân trong không gian lễ hội.

Múa rồng, múa lân trong không gian lễ hội.

Mâm cỗ ngày Tết gồm các món ăn truyền thống được chế biến công phu, đẹp mắt như: Gà sống thiến, thủ lợn, xôi ngũ sắc, bánh dày ngũ sắc, bánh đa sắc, chè lam, bánh chưng, bánh tro, mâm ngũ quả… Trong phần thi mâm cỗ Tết, mỗi thôn một mâm cỗ với đầy các sản vật do mình làm ra dâng lên cúng trời đất, các vị thần đều mang một ý nghĩa biểu thị sự giao hòa âm dương, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho nhân dân thuận lợi lao động, sản xuất, gia đình bình an, hạnh phúc.

Hội thi cấy là hoạt động đặc sắc nhất trong lễ hội Lồng tồng của người Tày, người Nùng.

Hội thi cấy là hoạt động đặc sắc nhất trong lễ hội Lồng tồng của người Tày, người Nùng.

Hội thi cấy diễn ra trong không khí rộn ràng, 21 người lội ruộng cấy đều đẹp, thẳng hàng theo quy định hàng cách hàng 18cm, cây cách cây 16cm. Hội thi không chỉ lưu giữ phương thức làm lúa thời xưa của cha ông, mà còn góp phần động viên mọi người hăng say thi đua lao động sản xuất.

Nơi tụ hội đông vui nhất chính là nơi diễn ra hội tung còn và chơi đu. Người Tày quan niệm, trong Lễ hội Lồng Tồng phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn treo trên cây Nêu cao, năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý. Những quả còn được bàn tay khéo léo của các mẹ, các dì làm ra từ những mảnh vải đủ sắc màu rực rỡ, bên trong đầy ắp ngũ cốc.

Những đường cày đầu tiên là nghi thức tâm linh trong hội Lồng tồng.

Những đường cày đầu tiên là nghi thức tâm linh trong hội Lồng tồng.

Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều món ngon đặc sản của đồng bào Tày, Nùng như các loại bánh tro, bánh gù, lợn quay, rượu từ nếp, quýt, các bài thuốc quý, các sản phẩm được công nhận OCOP được giới thiệu qua các gian hàng rực rỡ sắc màu. Lễ hội Lồng Tồng là hoạt động ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế thi đua hăng hái trong mùa vụ mới, qua đó góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên quê hương Lâm Đồng.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.