Gieo ước mơ, khát vọng giữa biển Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng ngày, thượng úy Trần Bình Phục cõng các em nhỏ đến Lớp học tình thương Biên phòng trên đỉnh đảo Hòn Chuối để dạy chữ. Tiếng thầy giảng bài, tiếng trẻ ê a vang trong tiếng sóng biển, ấm áp tình quân- dân nơi đảo xa. Bóng thầy giáo quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối ngoài khơi biển Tây - cứ thế từng ngày khắc dấu trong lòng cư dân vùng biển.

Coi học trò như con

 

Thượng uý Trần Bình Phục cùng các em từ dưới đảo đến lớp.
Thượng uý Trần Bình Phục cùng các em từ dưới đảo đến lớp.

Sáng sớm, thượng úy Trần Bình Phục xuống ghềnh sát mé biển, đánh thức các em, rồi cùng lên đỉnh đảo Hòn Chuối học chữ, làm toán. Đường dốc thẳng đứng, vách đá cheo leo, thầy trò lấm thấm mồ hôi trong nắng sớm. Mùa mưa, đường dốc, trơn trượt, thượng úy Trần Bình Phục cõng học trò nhỏ đến Lớp học tình thương Biên phòng.

Gần chục năm nay, thượng úy Trần Bình Phục tình nguyện ra công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối trên vùng Biển Tây, cách đất liền hơn 17 hải lý, thuộc thị trấn đảo Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau). Thượng úy Phục làm nhiệm vụ liên lạc thông tin phòng chống thiên tai, phục vụ sẵn sàng chiến đấu.

Ra đảo xa, nhiều thiếu thốn, khó khăn gian khổ biết thế nhưng thượng uý Trần Bình Phục lại tình nguyện xin đi: “Mấy lần, tôi làm đơn xin chỉ huy công tác trên đảo Hòn Chuối nhưng bị từ chối. Sau đó, chỉ huy đồng ý cho tôi ra đảo để thử sức, trải nghiệm”- thượng úy Phục kể.

Khi đặt chân lên đảo Hòn Chuối, thượng úy Trần Bình Phục nhận ra Lớp học tình thương Biên phòng. Lúc đó lớp còn đơn sơ, trẻ em theo cha mẹ làm nghề chài lưới, không được học hành tử tế. Các em đi học “bữa đực, bữa cái” vì cán bộ chiến sĩ đi công tác, chuyển công tác nên phải nghỉ học giữa chừng.

Thượng úy Trần Bình Phục xin và được chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Chuối đồng ý đứng lớp học tình thương Biên phòng gần chục năm nay. Bà Tô Thị Thu Lan, 50 tuổi, bán quán cóc, gần lớp học kể: “Thầy giáo là Bộ đội Biên phòng nói trẻ em nghe lắm. Đứa này đến học, rủ thêm đứa kia cùng học. Mấy năm gần đây, chú Phục như gà trống nuôi bầy con nhỏ. Bọn trẻ trên đảo thương yêu nhau như anh em ruột”.

Hình ảnh thượng úy Trần Bình Phục cõng học trò nhỏ, dắt tay vài em khác đến lớp là hình ảnh thường ngày rất đỗi thân thương trong mắt bà con sống trên đảo Hòn Chuối. Ông Lê Văn Thương, Tổ tự quản Hòn Chuối, nói: “Mấy đứa nhỏ bây giờ học hành tử tế, thầy Phục cưng như con ruột rồi, còn đòi gì nữa!”.

Như anh em một nhà

 

Sau giờ học, thầy giáo Biên phòng lại cõng các em về nhà dưới ghềnh sát biển.
Sau giờ học, thầy giáo Biên phòng lại cõng các em về nhà dưới ghềnh sát biển.

Một lần đến thăm Lớp học tình thương Biên phòng, em Trần Thị Thảo, 15 tuổi, là học sinh duy nhất học từ lớp 1 đến lớp 5 tại Lớp học tình thương Biên phòng. Thảo sống trong gia đình nghèo. Cha mẹ sống bằng nghề chài lưới trên biển, quanh đảo Hòn Chuối.

Ở Lớp học tình thương Biên phòng, Thảo như người chị cả của đàn em. Trong đó, hai em Trần Gia Thiệp, 11 tuổi, học lớp 2, Trần Gia Hào, 8 tuổi, học lớp 1 là em ruột của Thảo. Các em khác đều gọi Thảo bằng chị, xưng em ngọt xớt. Trần Thị Thảo hồn nhiên kể chuyện làm cô giáo: “Em được thầy Phục dạy bài, làm bài tập, kiểm tra xong thầy cho em chỉ các em nhỏ viết chữ, đọc bài, làm toán theo cùng”.

Mới đây, thượng úy Trần Bình Phục cho hay, em Trần Thị Thảo không còn học nữa, em đi lên Bình Dương làm công nhân, được trả lương hơn 3 triệu đồng/tháng, gởi về phụ giúp cha mẹ nuôi các em.

Một học sinh từng học Lớp học tình thương Biên phòng là em Nguyễn Văn Tứ lại quay ra đảo sau vài năm vào đất liền vì hoàn cảnh gia đình. Em Tứ theo cha ra đảo, xin thầy Phục học lớp 8. Dù bận rộn nhưng thượng úy Trần Bình Phục vẫn tình nguyện dạy kèm.

Những ngày nắng đẹp, biển êm, Tứ theo cha ra biển kiếm sống. Lúc rảnh, không ra biển giăng câu, chài cá, Tứ lại đến Lớp học tình thương Biên phòng phụ thầy Phục dạy kèm cho các em. “Tôi đã truyền cho các em tình thương. Em lớn hơn, học cao hơn dạy các em nhỏ hơn đánh vần, làm toán”- thượng úy Trần Bình Phục nói.

Lớp học tình thương Biên phòng do thượng úy Trần Bình Phục đứng lớp chia thành 2 phòng, với 25 em học sinh, cùng học một buổi. “Tôi dạy lớp ghép, các em học từ lớp 1 đến lớp 5 nên rất bận rộn. Hễ cho nhóm này làm bài tập, tôi sang phòng bên dạy chữ, dạy toán…” – Thầy Phục chia sẻ.

Lớp học tình thương Biên phòng vừa được TƯ Hội LHTNVN xây dựng “Trường đẹp cho em” trị giá 500 triệu đồng, khá khang trang. “Trường đẹp cho em” gồm 3 phòng (1 phòng đọc sách, 2 phòng học). Những lần đón khách đến thăm, thượng úy Trần Bình Phục cùng các em nghe bài hát “Người thầy giáo quân hàm xanh”, có đoạn: “Rừng biên cương yên bình/ Có người chiến sĩ canh giữ đêm ngày/ Cùng đàn em thơ anh dệt đẹp bao ước mơ”.

Giọng ca của thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục vang vọng với tiếng hát của các em thành bản giao hưởng yên bình trên đảo Hòn Chuối, giữa biển khơi xa.

Lớn lên từ lớp tình thương

 

Nắn nót từng nét chữ cho học sinh trên đảo Hòn Chuối.
Nắn nót từng nét chữ cho học sinh trên đảo Hòn Chuối.

Trung tá Nguyễn Quốc Thái- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối nói: “Lớp học tình thương Biên phòng trên đảo Hòn Chuối hình thành từ năm 1985. Ban đầu, cán bộ, chiến sĩ phân công nhau dạy xóa mù chữ, dần dần phân thành lớp để các em có điều kiện vào đất liền học lên cao hơn. Riêng thượng úy Trần Bình Phục liên tục đứng lớp gần chục năm qua”.

Bà Tô Thị Thu Lan kể, các thầy giáo Biên phòng tổ chức lớp tình thương trên đỉnh đảo và thầy Phục dạy lâu nhất, học sinh đông nhất, đứa trẻ nào cũng ham đi học. Chắc có lẽ thầy Phục thương lũ nhỏ nên được chúng nói thương lại”.

Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ tự quản đảo Hòn Chuối, thêm vào câu chuyện: “Không có Lớp học tình thương Bộ đội Biên phòng, trẻ con ở đây dốt hết, mù chữ luôn. Nhờ Lớp học tình thương Biên phòng mà con em trên đảo vào đất liền, học cao lên, có đứa vào đại học”.

Chuyện 3 người con của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Sang từng học trên đảo Hòn Chuối, rồi vào đất liền học tiếp, tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định như là một kỳ tích học trò Lớp học tình thương Biên phòng đảo Hòn Chuối. Bà Thanh Sang kể: “Các thầy giáo Bộ đội biên phòng Hòn Chuối dạy hết cấp 1, gởi ở vào đất liền để học tiếp, thành đạt mừng hết biết luôn”.

Nhìn lại bước đường học hành các con mình, là Nguyễn Thị Ái Vân, Nguyễn Thanh Hoài, Nguyễn Thanh Tùng, bà Thanh Sang cười rất tươi: “May mắn cho vợ chồng tôi, các con ham học, học giỏi và có việc làm ổn định, thu nhập khá lắm. Con gái lớn làm việc ngành ngân hàng, mấy thằng con trai làm kỹ sư, tiếp thị hãng ô- tô có thu nhập đỡ lắm”.

Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ ở đảo Hòn Chuối, em Nguyễn Duy Tuấn đã bước lên giảng đường Đại học Bình Dương (Phân hiệu Cà Mau). Sau khi học hết các lớp ở Lớp học tình thương Biên phòng đảo Hòn Chuối, Nguyễn Duy Tuấn được mẹ gởi vào đất liền, ở trọ người quen tại thành phố Cà Mau để học khi em chưa tròn 10 tuổi.

Góa phụ Nguyễn Thị Thu Lan kể: “Tuấn học giỏi từ nhỏ, chịu sống xa nhà, ra thành thị ở trọ, học giỏi nên được mọi người thương yêu. Người thân thương Tuấn lắm, giúp đỡ nhiều, mới học được. Tôi còn nuôi mấy đứa em của Tuấn nên chẳng có tiền bạc nuôi Tuấn ở thành thị”.

Thi đậu vào Trường đại học Bình Dương, ngành xây dựng, Nguyễn Duy Tuấn được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Làm thủ lĩnh lớp đại học không phải dễ, Nguyễn Duy Tuấn tích cực tham gia công tác xã hội, với sự xông xáo, nhiệt huyết như người thầy quân hàm xanh truyền dạy.

Ở trọ học đại học, Duy Tuấn tranh thủ dạy kèm học sinh học yếu, kiếm thêm tiền ăn học. Trường Đại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau đã đưa em vào danh sách “sinh viên nghèo vượt khó trong học tập” và bồi dưỡng nhận thức về Đảng ngay trong trường.

Mới đây, thượng úy Trần Bình Phục tạm xa Lớp học tình thương Biên phòng trên đảo Hòn Chuối, dự liên hoan toàn quân cuộc vận động “Phát huy truyền thống- cống hiến tài năng, xứng danh Anh bộ đội Cụ Hồ”, các em học sinh gọi điện thoại theo, khóc òa: “Thầy ơi đừng bỏ tụi em!”.

Thượng úy Trần Bình Phục nói: “Tôi đã trả lời các em rằng, thầy vẫn còn ở đảo Hòn Chuối, vẫn dạy các em nhưng các em vẫn còn lo lắng, sợ tôi bỏ dạy giữa chừng”…

Nguyễn Tiến Hưng/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.