Giao thông mở lối kết nối phát triển-Kỳ 2: Chủ trương "đúng, trúng, kịp thời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trăn trở trước những khó khăn của bà con dân tộc thiểu số, quyết tìm cách giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã có những quyết sách đúng đắn, đó là mở đường lên các ngôi làng thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Từ đây, cuộc sống người dân dần ấm no, kinh tế không ngừng khởi sắc, nhiều nơi đang phấn đấu không còn hộ nghèo, trở thành xã nông thôn mới.

Trăn trở từ lòng dân

Dọc con suối Pne giờ đã là những cánh đồng lúa xanh mướt. Nhờ có con đường mở lối, giao thương thuận lợi, xã Kon Pne (huyện Kbang) đã không còn hộ đói. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, ốm đau đã có y-bác sĩ ở Trạm Y tế chăm sóc. Kết quả này có được phần lớn là nhờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những chuyến công tác cơ sở để nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của người dân. Sau hành trình lội rừng, vượt núi đến những nơi xa xôi, khó khăn nhất, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp địa phương phát triển.

Nhờ được đầu tư đường bê tông thuận lợi, cuộc sống người dân làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhờ được đầu tư đường bê tông thuận lợi, cuộc sống người dân làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Minh Nguyễn


Ông Đinh Khyơl-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne nhớ lại: Năm 2003, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh-khi đó là Bí thư Tỉnh ủy đến thăm và làm việc tại xã. Sau khi lội rừng, vượt núi, Bí thư Tỉnh ủy đã dành trọn một đêm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân Kon Pne. Và rồi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quyết định bằng mọi giá phải mở đường vào “ốc đảo” này. “Nghe nói sẽ mở đường, kéo điện vào xã, bà con mừng lắm. Ban đầu, tỉnh có chủ trương đưa dân ra định cư ở xã Đak Rong, nhưng tất cả người dân một lòng xin được ở lại. Với người dân, nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của họ, gắn liền với niềm tự hào về những ngày tháng chở che, đùm bọc bao lớp cán bộ, chiến sĩ suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc”-ông Khyơl kể.

Chưa bao giờ, ông Khyơl hình dung đến việc Kon Pne lại có bước chuyển mình khởi sắc như vậy. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, Kon Pne thật sự thoát khỏi tên gọi “ốc đảo”. Từ khi có đường, hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân thay đổi qua từng năm nhờ “cú hích thần kỳ” này.

Những ngày cuối năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đã có chuyến công tác cơ sở để tìm hướng hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Pờ Yầu. Làng có 153 hộ với hơn 500 khẩu người Bahnar nhưng trên 60% là hộ nghèo. Từ những mong mỏi của người dân về việc xóa bỏ con đường đất ngược núi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh, địa phương đầu tư gần 20 tỷ đồng làm 7,4 km đường lên Pờ Yầu. Ông A Yur-Bí thư Chi bộ làng Pờ Yầu-phấn khởi cho biết: “Đường lên làng đã được bê tông hóa thông suốt, người dân Pờ Yầu rất vui mừng và biết ơn chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Dân làng chúng tôi hứa sẽ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững”.

“Đóng đô” ở Pờ Yầu 15 năm có lẻ, ông Nguyễn Văn Tiến hiểu rõ những thiệt thòi của người dân Bahnar ở đây. Chủ trương của Đảng đã “đúng, trúng” với nhu cầu thiết thực của bà con. Ông Tiến đưa ra ví dụ đơn giản, dễ nhận thấy nhất: 1 kg mì tươi ngoài xã có giá hơn 2.000 đồng thì tại làng người dân chỉ bán được 800 đồng. Một xe mì 10 tấn, vận chuyển xuống xã bán được 20 triệu đồng thì phải mất đến 5 triệu đồng tiền cước vận chuyển. “Giờ thương lái tranh nhau vào mua tận rẫy, tiền cước vận chuyển chưa đến 2 triệu đồng/chuyến. Bỏ ra kinh phí 20 tỷ đồng xây dựng con đường, tôi nghĩ chỉ cần vài năm hưởng lợi từ các mặt hàng nông sản cũng lấy lại đủ số tiền này”-ông Tiến nhận định.

Đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận thông tin đăng tải trên báo về hành trình vất vả của thầy, cô giáo khi vượt đường núi hiểm trở cõng chữ lên làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang), lãnh đạo Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy, các phòng, ban chuyên môn của huyện và làng Đê Kôn. Người đứng đầu Tỉnh ủy đã yêu cầu hệ thống chính trị từ huyện đến xã cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để làng Đê Kôn thoát nghèo bền vững. Giờ đây, niềm vui của người dân ngày càng hiện hữu. Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho hay: Huyện đã bố trí kinh phí 34 tỷ đồng để làm 6,6 km đường từ điểm giao với quốc lộ 19 lên làng Đê Kôn. Hiện dự án đạt tiến độ trên 60% khối lượng. “Khi con đường hoàn thành, chắc chắn làng Đê Kôn sẽ khởi sắc nhờ hạ tầng giao thông cải thiện, việc kết nối giao thương với các vùng khác thuận lợi hơn”-ông Trọng khẳng định.

Xóa “làng nghèo nhất tỉnh”

Từ khi có con đường “nối dân với Đảng”, Kon Pne có nhiều thay đổi lớn. Ông A Hiêng (làng Kon Ktonh) khẳng định: “Nhờ tuyến đường mở lối, bà con ở đây có điều kiện tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Người dân đã chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ với diện tích trên 200 ha. Không chỉ đủ ăn mà bà con còn dư lúa, gạo bán cho tư thương. Chưa hết, còn có hàng trăm ha mì, bời lời, bắp, mắc ca, sa nhân tím và cây ăn quả các loại. Hàng quán mọc lên với đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Đời sống của người dân dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đang trên đà phát triển ổn định”.

Nhờ đường sá thuận lợi, ông Srong (làng Pờ Yầu) được hướng dẫn cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước, tiếp cận với mô hình sản suất hiệu quả, giúp gia đình ông thoát nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhờ đường sá thuận lợi, ông Srong (làng Pờ Yầu) được hướng dẫn cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước, giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: Minh Nguyễn
Cô Nguyễn Thị Thu Hiếu-giáo viên điểm trường làng Pờ Yầu (Trường Tiểu học Lơ Pang): “Giờ chỉ mất hơn 20 phút là các thầy-cô giáo đã có mặt ở điểm trường. Đường sá thuận lợi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Các em cũng tự giác học tập, học sinh THCS ở làng xuống xã học có thể đi-về trong ngày”.

Trong khi đó, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho hay: Xã có 3 làng đồng bào Bahnar với 390 hộ, hơn 1.600 khẩu. Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Từ chỗ hơn 90% hộ nghèo năm 2010, đến nay xã chỉ còn 25 hộ, chiếm 6,74% (theo tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2016-2020). Quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã cùng sự đồng lòng của Nhân dân, Kon Pne sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới trong năm 2023. “Để hoàn thành mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo”-Chủ tịch UBND xã nêu giải pháp.

Cách đây gần 3 năm, làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vẫn còn là “ốc đảo”. Giờ đây, rào cản về giao thông không còn, cuộc sống của người dân đang ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 60% (năm 2017) xuống còn 16,92% (năm 2021). Nhiều gia đình làm được nhà sàn chắc chắn, mua máy cày để phục vụ sản xuất.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi về việc trước đây tuy sở hữu nhiều đất đai trồng mì, bời lời, cà phê nhưng lại nằm trong danh sách hộ nghèo của làng, ông Srong lý giải: Do không biết cách chăm sóc cà phê, hồ tiêu, trồng lúa nên thu hoạch mỗi năm của gia đình ông chẳng được bao nhiêu. Khi đường sá thuận lợi, cán bộ nông nghiệp của xã, huyện có điều kiện sâu sát hơn với bà con, hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây, chỉ cách bón phân, làm hố chăm sóc cà phê, hồ tiêu, lúa nước. “Năm ngoái, gia đình tôi thu được hơn 1,6 tấn hồ tiêu, hơn 2 tấn cà phê tươi, bán được gần 140 triệu đồng. Chưa kể đám bời lời khoảng 3 ha đang dự tính bán cho thương lái, nhẩm tính cũng được 50-60 triệu đồng. Các nguồn thu nhập đó đủ giúp gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo”-ông Srong phấn khởi bày tỏ.

Trao đổi với P.V, ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-chia sẻ: Từ khi “nút thắt” giao thông được tháo gỡ, với quyết tâm đưa Pờ Yầu ra khỏi danh sách làng nghèo nhất của tỉnh, các ban, ngành của huyện, xã đã huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất giai đoạn 2021-2025 (kinh phí 20 tỷ đồng); xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lồng ghép tổ chức đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. “Hạ tầng giao thông đã mở ra cơ hội trong sản xuất, giao thương, giao lưu văn hóa, góp phần giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo bền vững”-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang khẳng định.

Chiếc ô tô rời làng trên đường bê tông phẳng phiu, lâu lâu lại chậm bánh để chúng tôi thưởng ngoạn cảnh đẹp ở những con dốc, khúc cua len lỏi giữa cánh rừng già trùng điệp. Đất khó Pờ Yầu đã đổi thay từng ngày. Cung đường mới tiếp sức cho khát vọng vươn lên của người dân, dần đẩy những ký ức tối tăm lùi xa.

 

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.