(GLO)- Năm học mới bắt đầu, việc vận động học sinh đến lớp, ổn định việc dạy và học ở các trường đã đi vào nền nếp nhưng đối với nhiều thầy-cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa thì mọi việc chỉ mới bắt đầu. Chỉ riêng việc duy trì sĩ số, đảm bảo học sinh không nghỉ học, bỏ học đã là một hành trình hết sức gian nan kéo dài suốt cả năm học.
Ia Kreng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah, có 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62%. Ở đây, người dân chủ yếu làm nương rẫy để mưu sinh nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giáo dục còn nhiều hạn chế nên việc vận động trẻ em tới trường là chuyện không dễ.
Một lớp học ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Đức Thụy |
Đứng chân trên địa bàn xã Ia Kreng, Trường THCS Ia Kreng gồm 2 cấp học (Tiểu học và THCS) với 4 điểm trường. Trong số đó, điểm trường làng Dip là xa nhất, cách trung tâm xã khoảng 15 km. Trước khi bước vào năm học, thầy-cô giáo đã bắt đầu chiến dịch ra quân vận động học sinh trở lại trường lớp. Xuyên suốt trong cả năm học, nhiệm vụ bám trường, bám lớp, duy trì sĩ số, không để học sinh bỏ học, nghỉ học luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thầy Đặng Ngọc Sự-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ia Kreng, chia sẻ: Dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm tỷ lệ duy trì học sinh đến lớp của nhà trường luôn đạt trên 98%. Được vậy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình. Các thầy-cô giáo luôn bám trường, bám lớp, quan tâm học sinh. Chỉ cần em nào bỏ học 2 buổi trở lên là thầy cô đến tận nhà động viên các em đi học lại, quyết không để học sinh bỏ học, nghỉ học.
Gắn bó với vùng sâu, vùng xa, các thầy cô biết và hiểu được hoàn cảnh của từng em, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thế nào, thiếu thốn ra sao… Đối với nhiều em, để được đến trường đã là một nỗ lực đáng trân trọng. Chính vì vậy, thầy-cô giáo không chỉ truyền đạt con chữ mà còn là người thân đối với các em. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương-chủ nhiệm lớp 2B, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lê Lợi (xã Ayun, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Học trò vùng sâu còn rất nhiều khó khăn vất vả. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học, bỏ học… Nếu các thầy cô không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ học luôn. Chính vì vậy, đã 15 năm gắn bó với nơi này, mỗi buổi đến lớp tôi đều tranh thủ đến sớm. Đến để điểm danh, em nào vắng là ngay lập tức đến nhà đưa các em đến lớp… Đi dạy nhưng trong cặp lúc nào cũng có vài cái bánh, viên kẹo để động viên, khuyến khích, tạo niềm vui cho các em trong học tập. Nhờ vậy sĩ số luôn được duy trì, không em nào bỏ học”.
Nhưng như cô Hương bộc bạch thì không phải việc vận động lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. “Lớp tôi dạy có 13 em thì có tới 10 em thuộc hộ nghèo, 3 em thuộc hộ cận nghèo… Việc giải quyết những mối quan tâm thường nhật trong cuộc sống, chuyện cơm áo gạo tiền cũng ảnh hưởng nhiều đến việc học. Gia đình nào thiếu quan tâm là các em nghỉ học luôn. Vào những tháng vụ mùa hoặc sau Tết thì tình trạng học sinh nghỉ học theo cha mẹ đi rẫy, đi làm thuê rất nhiều. Giáo viên phải nỗ lực gấp bội, bằng mọi cách vận động các em đến trường, nhưng cũng có lúc lực bất tòng tâm”-cô Hương ngậm ngùi kể.
Năm học 2016-2017, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lê Lợi, xã Ayun có 14 em bỏ học, nghỉ học. Bước vào năm học mới, các thầy cô đang nỗ lực hết mình để đưa các em trở lại trường. Thầy Lê Ngọc Tĩnh- Hiệu trường nhà trường, cho biết: “Trường có 11 điểm trường. Điểm trường xa nhất cách điểm trường chính 12 km. 100% học sinh tại trường là người dân tộc thiểu số, trong đó có khoảng 80% các em là con hộ nghèo và cận nghèo. Để duy trì sĩ số học sinh, nhà trường đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thành lập Ban vận động học sinh đến lớp… Các thầy-cô giáo chủ nhiệm lớp khi có học sinh nghỉ bất thường thì phải báo Ban Giám hiệu và Trưởng thôn. Nếu cần, giáo viên chủ nhiệm tìm về tận nhà tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời giúp đỡ và vận động các em quay lại trường học. Nhờ vậy, hàng năm tỷ lệ duy trì học sinh đến lớp của nhà trường luôn đạt trên 98%. Nếu 5 năm trước ở xã không có học sinh nào tốt nghiệp lớp 12 thì năm học vừa qua đã có 5 em đậu đại học, cao đẳng”.
Xác định làm công tác giáo dục tại vùng khó thì thầy-cô giáo không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà cần có cái tâm, sự nhiệt huyết để theo đuổi nghề mình đã chọn. Gian khổ, vất vả là vậy nhưng với tấm lòng yêu trò, mến trẻ, nhiều thầy cô đã gắn bó, bám trường, bám lớp với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu.
Như Nguyện