Giải quyết tình trạng thiếu lao động hái cà phê tại Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều lao động từ địa phương khác đã có thể đến tỉnh Kon Tum để tham gia thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, theo nhiều người dân tại thủ phủ cà phê huyện Đăk Hà, tình trạng “khát” nhân công thu hái vẫn đang tiếp diễn do nhiều yếu tố khác nhau.

Cà phê huyện Đăk Hà (Kon Tum) đang vào mùa thu hoạch.
Cà phê huyện Đăk Hà (Kon Tum) đang vào mùa thu hoạch.
Trong mùa vụ cà phê năm 2021, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 25.000 ha cà phê, riêng huyện Đăk Hà có trên 12.000 ha. Tổng số lao động cần cho thu hoạch cà phê ước tính hơn 11.500 người. Để tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, tỉnh Kon Tum đã có chủ trương tiếp nhận lao động là người từ ngoài tỉnh đến tham gia thu hái cà phê trên địa bàn.
Nhờ đó, rất đông lao động từ các địa phương khác đến tập trung tại ngã tư đường Trường Chinh, thị trấn Đăk Hà đi xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) để đợi người thuê thu hái cà phê. Những người đi theo từng tốp khoảng 8-12, chủ yếu là người dân ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Kon Tum.
Anh Phạm Văn Sóc (dân tộc Hre, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, khi biết tỉnh Kon Tum cho phép người dân ở địa phương khác đi, đến dễ dàng hơn, anh cùng vợ đã quyết định đến huyện Đăk Hà để thu hái cà phê, kiếm thêm thu nhập. Trước khi đi, vợ chồng anh đã tiêm hai mũi vaccine và xin giấy đi đường từ địa phương; đồng thời chủ động khai báo y tế với chính quyền nơi làm việc và xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động.
Anh Phạm Văn Nua (38 tuổi, trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, anh được thuê hái cà phê với giá 100.000 đồng/tạ. Sau 10 ngày làm việc, anh đã kiếm được gần 7 triệu đồng. Số tiền này đủ cho anh mua sắm, trang trải cuộc sống gia đình, nhất là trong dịp Tết đang cận kề.
Dù có đông người dân đến địa phương để hỗ trợ thu hái cà phê, song tình trạng “khát” lao động tại tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp diễn.
Theo anh Nguyễn Đình Tú (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà), nguyên nhân chủ yếu là do các lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ làm việc không hiệu quả, hư hỏng cây và thường bỏ ngang công việc hoặc chưa làm đã ứng tiền tiêu xài. Số lao động ngoài tỉnh thì không thiện chí, ép giá các chủ vườn; thậm chí khi đã đồng ý làm việc, các lao động này sẵn sàng bỏ sang làm chỗ khác nếu được giá hơn. Một bộ phận lao động đặt ra yêu cầu khắc khe như vườn cà phê phải dày chín đều, dễ hái; nếu vườn thưa, không vừa mắt thì không nhận làm.
Để giải quyết tình trạng này, huyện Đăk Hà đã thành lập các tổ, nhóm hợp tác lao động tại các xã để điều tiết nhân lực; đồng thời phối hợp với lực lượng quân đội trong tỉnh để phân công chiến sỹ đến tham gia các tổ, nhóm hỗ trợ người dân; tập trung sử dụng nguồn lao động tại chỗ, người dân tộc thiểu số. Việc làm này giúp các địa phương phát huy được sức mạnh của cộng đồng, góp phần ổn định an ninh trật tự và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thu hoạch cà phê tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Thu hoạch cà phê tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Ông Phạm Thế Cương, Phó Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Ui cho biết, Công ty đã chủ động làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn 10, để thuê các chiến sỹ đến hỗ trợ thu hái hơn 400 héc ta cà phê. Qua đánh giá, các chiến sỹ bộ đội làm việc rất nền nếp và có kỹ thuật cao nên cây cà phê không bị hư hại sau khi hái, thuận tiện cho mùa vụ mới. Đối với lực lượng lao động tại chỗ, Công ty đồng ý thuê 50 người đồng bào dân tộc thiểu số với mức giá 120 – 130 nghìn đồng/tạ cà phê; công ty đã bố trí chỗ ăn, ở và cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi làm việc.
Ngoài ra, một trong các cách làm được nhiều người dân áp dụng là đổi công cho nhau. “Việc đổi công là tất cả hộ dân trong xã có cây cà phê sẽ tập trung thu hái cho một vườn, chủ vườn sẽ phụ trách hậu cầu, tổ chức lao động và quản lý tài sản của mình. Khi đã hái xong cà phê, chủ vườn phải cùng mọi người đến hái cà phê cho nhà khác để bù lại công. Công việc này được lặp đi, lặp lại và mang lại hiệu quả rất cao nên rất được người dân ưa chuộng”, chị Lê Thị Hải (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) chia sẻ.
Với nhiều biện pháp đã và đang triển khai, người dân tại thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu lao động, yên tâm thu hoạch sản phẩm và kỳ vọng vào một niên vụ cà phê được mùa, được giá.
Tin, ảnh: Khoa Chương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm