"Khát" nhân công thu hái cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 87.700 ha cà phê trong giai đoạn kinh doanh. Cứ vào vụ thu hoạch là có hàng ngàn lao động từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đến thu hái cà phê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc đi lại giữa các tỉnh không thuận lợi nên phần nào gây khó khăn về nhân công thu hái cà phê.

Loay hoay tìm nhân công

Gia đình bà Nguyễn Thị Văn (làng Máih, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) có 3 ha cà phê bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được nhân công. Những năm trước, cứ vào đầu vụ thu hoạch, gia đình bà thuê khoảng 8 người từ Quảng Ngãi lên để hái cà phê. Tuy nhiên, năm nay, gia đình liên hệ thì những người này từ chối vì chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên năng suất cà phê ước đạt 5,5 tấn nhân/ha. Hơn nữa, giá cà phê tăng so với vụ trước khoảng 10 ngàn đồng/kg. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó tìm nhân công thu hái cà phê. Trước mắt, tôi huy động người nhà thu hái những cây chín bói và tiếp tục liên hệ lao động tại địa phương để thu hoạch đại trà”-bà Văn chia sẻ. Còn anh Phan Văn Tình (làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung) thì cho hay: “Nhà tôi có 2 ha cà phê. Tôi cũng đã liên hệ với một số người dân trong làng nhưng chưa tìm được nhân công”.

Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Nam


Huyện Chư Păh có khoảng 8.000 ha cà phê chuẩn bị bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công thu hái cũng gặp không ít khó khăn. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho biết: “Chúng tôi liên kết với người dân các xã Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Phí, Ia Kreng và thị trấn Ia Ly canh tác khoảng 500 ha cà phê để cung ứng cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Hiện chưa bước vào thu hoạch đại trà nhưng dự báo năm nay sẽ rất khó khăn về nhân công. Nhiều hộ đang chạy đôn chạy đáo liên hệ nhiều nơi để tìm nhân công thu hái. Chúng tôi cũng đã vận động các thành viên trong HTX hỗ trợ nhau thu hoạch theo hình thức luân phiên. Đồng thời, vận động người dân hình thành các nhóm đổi công xoay vòng”.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa) chia sẻ: Năm nay, HTX liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ 100 ha cà phê. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, cà phê đã bắt đầu chín rộ nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc tìm nhân công thu hái. Đối với những hộ dân có diện tích cà phê ít thì có thể huy động người trong gia đình thu hái nhưng những hộ có 3-5 ha thì thực sự khó khăn.  
     
Tận dụng nhân lực tại chỗ

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lao động từ các tỉnh đến thu hái sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, bù lại là có lực lượng công dân ở các tỉnh phía Nam trở về địa phương rất nhiều. Đây cũng là lực lượng góp phần giải quyết “bài toán” nhân công thu hái cà phê. Ông Lê Công Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Hrung cho biết: Toàn xã có khoảng 1.300 ha cà phê. Trước đây, khi bước vào vụ thu hoạch thường có khoảng 5.000 người từ các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và lao động từ ngoài tỉnh lên hái cà phê thuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thấy lao động từ nơi khác đến. “Hiện nay, công tác phòng-chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. Để giải quyết khó khăn cho người dân, UBND xã hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm thu hái đổi công cho nhau. Đối với những hộ có mối liên hệ với người lao động ngoài tỉnh đến địa phương cần phải đăng ký về số lượng, khai báo y tế, được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 cũng như giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời, người dân phải bố trí nơi ở đảm bảo cho lực lượng lao động này để hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người”-ông Phú thông tin.

Người dân huyện Chư Păh thu hoạch cà phê.
Người dân huyện Chư Păh thu hái cà phê. Ảnh: Lê Nam


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Đào Lân Hưng, dự báo tình hình nhân công thu hái cà phê năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn khẩn trương rà soát số liệu lao động từ các tỉnh phía Nam về để giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt. Đồng thời, huyện cũng sẽ tạo điều kiện cho người từ địa phương khác tới để hái cà phê nhưng phải gắn với công tác phòng-chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho hay: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, Phòng đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân thu hoạch từng loại cây trồng hợp lý, đảm bảo nhanh gọn, an toàn cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, vận động người dân thành lập các nhóm, tổ tham gia thu hái cà phê tại địa phương vừa đảm bảo an ninh, vừa có thu nhập trong thời gian chờ việc. Các HTX trên địa bàn cũng cần chủ động kế hoạch thu hoạch nông sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giãn cách đều thời gian thu hoạch để đảm bảo đủ cung ứng cho tiêu thụ, chế biến, không để sản phẩm bị ứ đọng.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.