Giải pháp nào cứu người dân trồng cây tiêu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ cuối năm 2015, tiêu đã bắt đầu chết, khi đó, các cơ quan chức năng, ban ngành, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp cứu tiêu. Nhưng không có kết quả, tiêu vẫn tiếp tục chết như một trận “đại dịch”. 
 
Ông Phan Hồng Sơn trầm ngâm đứng vuốt ve trụ tiêu như tiếc nuối thời hoàng kim ở “Thủ phủ” tiêu
Đến bây giờ, người ta không kêu gọi giải cứu tiêu nữa, mà “giải cứu” nông dân, những người từng là tỷ phú, nay trở thành bần cùng.  
Vì sao nông dân 'chết theo tiêu'?
Phân tích về hiện trạng tiêu chết, và người nông dân trồng tiêu cũng “chết” theo, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh nói: Nguyên nhân chính khiến người nông dân “chết” vì cây tiêu, không phải là do tiêu chết hàng loạt, mà do giá tiêu tụt xuống đáy.
Thời điểm giá tiêu từ 200 đến 240 triệu đồng/tấn, người ta ham quá, làm được bao nhiêu lại đổ hết vào đầu tư. Thời điểm đó vay vốn ngân hàng cũng dễ vô cùng, các ngân hàng nghe vay làm tiêu, họ sướng lắm, chỉ cần có 1ha tiêu, là có thể vay được cả mấy tỷ đồng. Thời điểm họ đầu tư, giá tiêu vẫn đang rất cao, nhưng đầu vào, từ trụ, giống, đến phân bón, cái gì giá cũng cao. Nhưng người dân vẫn chấp nhận đầu tư, vì họ không tin là giá tiêu có thể tụt đến 70-75%. Nguyên nhân thứ 2 là tiêu chết, năng suất giảm.
Nguyên nhân chết thì có nhiều, do biến đổi khí hậu, thiếu nước, thâm canh quá mức, giống, phân bón kém chất lượng... Khi giá hồ tiêu cao chót vót, người dân trồng tiêu bỏ ngoài tai khuyến cáo của chính quyền, các nhà khoa học. Thời điểm năm 2013, 2014, nông dân còn chong đèn đổ trụ tiêu suốt đêm để trồng tiêu, giá lúc đó gấp 6 lần cây cà phê (180-220 ngàn/kg hồ tiêu so với 30-35 ngàn/kg cà phê).
“Tôi đàm bảo, nếu giá tiêu cao, thì cây tiêu có chết nữa cũng không cản được nông dân họ trồng đâu. Cho nên, phải khẳng định rằng, nông dân “chết” vì giá tiêu chứ không phải do tiêu chết. Ngày xưa, tiêu giúp nhiều người thành tỷ phú, giờ cũng chính cây tiêu làm nông dân thành những kẻ bần cùng”, ông Khánh chua chát nói.
 
Cách đây 4 năm, đống trụ này có giá cả trăm triệu, nhưng giờ bỏ chẳng ai lấy
Quá trình đi thực tế vùng tiêu chết ở Gia Lai, chúng tôi thực sự “rối” với các số liệu về diện tích tiêu. Ngay tại xã cũng có vài số liệu, lên huyện cũng tương tự. Nguyên nhân là quy hoạch diện tích tiêu của huyện một đằng, diện tích người dân trồng một nẻo. Đến khi tiêu chết, người dân khai báo diện tích thực tế, thì lúc này chính quyền mới nắm cơ bản.
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Gia Lai là 6.000ha, tuy nhiên, số liệu từ “Niên giám thống kê Gia Lai” cho thấy, đến cuối năm 2017 đã lên tới 17.750ha, vượt quy hoạch gần 3 lần. Việc diện tích hồ tiêu liên tục gia tăng làm cho giá cả hồ tiêu rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kèm theo dịch bệnh bùng phát và lâm vào khủng hoảng như hiện nay. Ngay tại xã Ia Blứ, diện tích tiêu theo quy hoạch là 530ha, nhưng khi tôi hỏi diện tích tiêu chết là bao nhiêu?
Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch Kinh tế xã, ban đầu nói chết hơn 500ha, nghĩa là “chết gần sạch”, nhưng sau đó ông sửa lại là khoảng 700ha. Và lần thứ 3, ông “thú thật” là diện tích tiêu thực của xã khoảng gần 1.000ha, nhưng vì quy hoạch chỉ 530ha nên ông chỉ nói số liệu đó, và đã chết hơn 90%. Tuy nhiên, khi đi cùng chúng tôi đến các hộ dân, anh cán bộ nông nghiệp xã Ia Blứ tên Ngọc, rất thật thà cho biết, trước năm 2016, diện tích tiêu toàn xã lên đến hơn 2.000ha, nhưng nay chỉ còn chưa tới 100ha “Mà tương lai nó chết nữa”, anh Ngọc nói. Còn ông Nguyễn Hải, nông dân thôn Phú Hà thì cho rằng, diện tích tiêu có thể thu hái của xã hiện nay chỉ chừng 10ha.
Giải thích về số liệu, ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pứh nói: Trước giờ các văn bản, báo cáo đưa số liệu theo quyết định phê duyệt quy hoạch của địa phương đưa ra. Còn số liệu thực tế không chùng khớp là do bà con tự trồng. Ví dụ xã Ia Blứ, quy hoạch 529ha, nhưng trên thực tế, bà con phát triển diện tích lớn hơn nhiều, họ tự chủ sản xuất, mình không quản diện tích được. Còn mình báo cáo thì không thể nói khác số liệu theo quy hoạch.  
Giải pháp nào cứu nông dân trồng tiêu?
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiểm tổng Thư ký Hiệp Hội Hồ tiêu Chư Sê phân tích, qua theo dõi, cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, đó là chưa kể hồ tiêu của Indonesia, Ấn Độ, mà chủ yếu là để xuất khẩu,
Để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa, theo ông Bính, có rất nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là bài toán sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm phải chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam, thì mới có giá trị.
 
Một trong những vườn tiêu còn “sống”, vừa được xuống giống cây cà phê
“Hiện nay hồ tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15 - 20%. Cho nên, giải pháp trước mắt là không mở rộng diện tích, người trồng tiêu cũng cần thay đổi phương thức canh tác, có thể từ trồng lấy số lượng chuyển sang lấy chất lượng. Thứ hai cần đẩy mạnh xây dựng các HTX, mô hình liên kết theo chuỗi và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch. “Ví dụ như Campuchia, hiện họ có HTX canh tác hồ tiêu và được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trồng tiêu theo chuẩn Ogranic, sản phẩm hồ tiêu được một công ty của Thụy Sỹ thu mua với giá 13 USD/kg. Phải như thế thì mới đảm bảo thu nhập bền vững”, ông Bính nói.
Gợi mở hướng đi cho nông dân Chư Pưh và Chư Sê, ông Bính cho rằng, thời tiết khí hậu ở Gia Lai rất phù hợp với cây ăn quả. Với cây công nghiệp dù giá thấp, thu nhập không cao nhưng là cây đặc sản của Tây Nguyên đó vẫn chính là cây cà phê. Thứ hai, có hiệu quả, năng suất là cây bơ. “Theo tôi, nên tập trung mũi nhọn vào cây bơ”, ông Bính nói.
Nói về giải pháp hỗ trợ nông dân và hướng đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pứh cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là số nợ khó trả của nông dân với ngân hàng. Huyện cũng đã họp bào với NHNN và các ngân hàng địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Theo các ngân hàng, nông dân nợ tiền muốn được phía ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ… thì phải có lý do chính đáng, ví dụ tỉnh phải công bố dịch hay thiên tai, hạn hán. Nhưng Gia Lai không đủ điều kiện công bố dịch.
Hiện nay, sau khi huyện đứng ra tổ chức đối thoại giữa người dân và đại diện các ngân hàng, họ cho biết, đã thống kê, rà soát các đối tượng cụ thể để sau đó có biện pháp hỗ trợ. Nhưng, việc hỗ trợ như thế nào, mức độ đến đâu còn tuỳ thuộc vào năng lực, khả năng tài chính của họ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho biết, họ vẫn sẵn sàng cho người dân vay đầu tư, kể cả các hộ đang nợ đọng. Nhưng phải đảm bảo các điều kiện về nhân lực, có phương án khả thi để khôi phục sản xuất, có phương án trả nợ ngân hàng.
 
Ông Ngô Đắc Lộc, nông dân thôn Phú Hà, xã Ia Blứ và vườn tiêu đã chết sạch, được ông trồng nhiều loại cây ăn trái thay thế
“Sắp tới, chính quyền địa phương có phương án gì để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho những hộ dân đã trắng tay vì tiêu?”, tôi hỏi. Ông Khánh đáp: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã tập trung triển khai rất nhiều việc, như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Và hiện đã ký kết được với 6 doanh nghiệp vào liên kết với bà con nông dân, đầu tư giống, vốn để triển khai trồng một số cây ăn trái mới. Rồi chúng tôi cũng qua Lâm Đồng, nghiên cứu mô hình trồng dâu nuôi tằm, thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, lại ít tốn kém, vì cơ sở có sẵn như nguồn nước, kho bãi từ mô hình tiêu vẫn còn. Nên sắp tới chúng tôi sẽ triển khai mô hình này, liên kết với Trung tâm dâu tằm tơ Lâm Đồng, nhờ họ giới thiệu các đơn vị thu mua kén. Ngoài ra, chúng tôi cũng lên kế hoạch tái canh, trồng mới cà phê với sự hỗ trợ của công ty Nestlé Việt Nam”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai gửi UBND tỉnh, tính đến tháng 5/2018, số nợ người dân tỉnh Gia Lai vay các ngân hàng để đầu tư cho cây tiêu là 4.382 tỷ đồng. Riêng huyện “thủ phủ” hồ tiêu Chư Pứh, có 8.104 hộ dân còn nợ ngân hàng số tiền hơn 1.521 tỷ đồng. NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai kiến nghị tỉnh Gia Lai có biện pháp “gỡ khó”, bằng cách chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác khuyến nông để nông dân chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là tái đầu tư ở những vùng có diện tích hồ tiêu bị chết.

Phúc Lập (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.