Gia Lai: Tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, tính đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt trên 71.100 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cuối năm 2016). Trong đó, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam là 67.280 tỷ đồng (chiếm 94,6% tổng dư nợ, tăng 5,8% so với cuối năm 2016).

Với mức tăng trưởng này, tín dụng ở Gia Lai cao hơn so mức tăng bình quân cả nước là 5,76% và đã vươn lên xếp thứ 2 khu vực miền Trung-Tây Nguyên (chỉ đứng sau Đà Nẵng). Cơ cấu dư nợ ngắn hạn chiếm 65,9%, trung-dài hạn 34,1% phù hợp với đặc thù đầu tư tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay trung-dài hạn có mức tăng mạnh so cuối năm 2016, phản ánh lượng vốn lớn được đầu tư hình thành vốn cố định của khách hàng, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển. Ảnh: Đức Thụy
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển. Ảnh: Đức Thụy

Thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi… Những tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt gần 30.000 tỷ đồng (chiếm 41,2% tổng dư nợ, với gần 90.000 khách hàng). Các ngân hàng đã tập trung đầu tư cho vay phát triển các loại cây trồng chủ lực (cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì, bắp, lúa) và phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được các ngân hàng tích cực hỗ trợ, hiện có khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận vốn.

Trong nỗ lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã tích cực cải tiến dịch vụ và mở rộng mạng lưới hoạt động, chú trọng phát triển mảng bán lẻ. Để tăng trưởng tín dụng bán lẻ, các ngân hàng đã tạo ra nhiều sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, giúp tăng lợi nhuận từ lĩnh vực bán lẻ và giữ thị phần ổn định. Theo ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Nam Gia Lai, mảng bán lẻ đang được Chi nhánh triển khai tích cực. Riêng trong năm 2016, tăng trưởng bán lẻ của Chi nhánh đã đạt 35%. Còn ông Trương Anh Tuấn-Giám đốc Vietcombank Gia Lai thì cho biết: Tăng trưởng bán lẻ khá mạnh, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ của Chi nhánh. Trước đây, Chi nhánh chủ yếu tập trung cho vay các dự án, các doanh nghiệp lớn thì nay đã chuyển hướng cho vay khách hàng đa dạng hơn, trong đó chú trọng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu, thương mại-dịch vụ…

Với mục tiêu kiểm soát và duy trì nợ xấu ở mức thấp, các ngân hàng thương mại đang tích cực rà soát và thu hồi các khoản vay đến hạn; rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đi đôi với nâng cao năng lực quản trị, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng là 358 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2016, tăng 0,3% so với tháng trước và chiếm 0,5% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ xấu tăng 0,03% so với cuối năm 2016. Tuy nợ xấu có tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, cho biết: Các ngân hàng thương mại đang tiếp tục rà soát, đánh giá từng khoản nợ xấu để có biện pháp xử lý phù hợp. Hiện nay, mặt bằng lãi suất tương đối phù hợp để tăng khả năng hấp thụ vốn, nhưng tác động từ giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và hộ dân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.