(GLO)- Trước tình trạng tiêu chết xảy ra trên diện rộng, nhiều hộ dân tại huyện Chư Sê, Chư Pưh( Gia Lai) phá bỏ vườn tiêu, trụ gỗ mang mầm bệnh tiếp tục được bán đi nơi khác. Việc mua bán “mầm bệnh” này ẩn họa nguy cơ lây nhiễm đến vườn cây mới nếu không được kiểm soát.
Theo ghi nhận, các huyện Chư Sê, Chư Pưh có diện tích trồng tiêu lớn nhất của tỉnh với trên 5.200ha, hiện nhiều vườn cây trên diện tích này đã bị chết bởi các yếu tố do nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm, vườn cây già cỗi... có hộ dân đã thuê chuyên gia đưa ra cách chữa trị nhưng bất thành.
Vườn tiêu chết dần, nhiều nông dân nhổ bỏ, chuyển đổi cây trồng khác. Ảnh: N.G |
Trước thực trạng trên, nhiều hộ trồng tiêu đã tìm cách cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng. Riêng với những trụ tiêu bằng gỗ được nhổ bỏ khỏi vườn và có nhiều người tìm mua, chuyển bán đi nơi khác.
Ông Trịnh Đình Đề- hộ dân trồng tiêu thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, Chư Pưh cho biết: Để có thêm kinh phí khi chuyển đổi cây trồng, những trụ tiêu bằng gỗ được nhiều người tìm mua. Không biết trụ tiêu còn mầm bệnh hay không, được giá là chúng tôi bán hết.
Qua tìm hiểu, đa phần trụ gỗ nhổ từ những vườn tiêu chết được chuyển bán đến huyện Mang Yang, Đak Đoa hay qua tỉnh Đak Nông, Bình Phước để tiếp tục làm trụ trồng tiêu. Trụ tiêu này đang được mua với giá từ 50-85 ngàn đồng tùy chất lượng.
Trụ gỗ mang mầm bệnh từ vườn tiêu chết được nhổ chất thành đống tại xã Ia Blang, Chư Sê. Ảnh: N.G |
Ngoài việc bán trụ gỗ ẩn họa lây lan mầm bệnh nếu không được xử lý tốt, thì hiện nay tại một số nơi, để cứu vườn cây, các hộ dân tìm và đặc niềm tin vào “chuyên gia” trị bệnh cho tiêu. Chi phí thuê những người này từ 7-8 triệu đồng đến khi hết bệnh trên cây. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn cây tiêu vẫn lăn ra chết dần, “chuyên gia” thì bỏ trốn, nông dân phải chịu thiệt kép.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Hợp- Phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê khẳng định: Tiêu chết xảy ra trên địa bàn là do nấm bệnh, già cỗi, vườn bị nhiễm bệnh, cây chết không thể chữa khỏi. Trước đây, có các hộ dân nghe, tin theo lời hứa cứu vườn tiêu, tuy nhiên không có vườn cây nào hết bệnh mà người dân lại mất tiền. Hiện nay, người dân đã nâng cao cảnh giác, các “chuyên gia” trị bệnh cho cây tiêu hay bán giống vào địa bàn phải làm việc với xã nhằm tránh nguy cơ tiền mất tật mang, cây giống kém chất lượng.