(GLO)- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, phòng-chống và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo môi trường là mục tiêu mà ngành chăn nuôi tỉnh Gia Lai đang hướng tới.
Đàn trâu, bò đứng thứ 2 cả nước
Gia Lai tụ hội nhiều điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi như: đất đai, đồng cỏ, khí hậu và lực lượng lao động… Theo đó, tỉnh đang sở hữu đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu của cả nước. Báo cáo về công tác chăn nuôi, thú y và thủy sản tháng 3-2022 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có đàn trâu 14.611 con, đàn bò 412.000 con, đàn heo 468.213 con, đàn gia cầm 3.797.290 con. Các loại vật nuôi khác như: dê 113.000 con, 750 nhà nuôi yến, 800 đàn ong mật… Theo đó, toàn tỉnh hiện có 3.977 hộ nuôi trâu, 79.907 hộ nuôi bò, 37.276 hộ nuôi heo, 163.536 hộ nuôi gia cầm. Ông Dương Ngọc Thanh-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y-cho biết: Hiện đàn trâu, bò của tỉnh đứng thứ 2 cả nước; đàn heo và gia cầm đứng thứ 2 các tỉnh Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Đak Lak.
Tính đến ngày 8-3-2022, toàn tỉnh có 178 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích trên 5.250 ha, tổng vốn đầu tư hơn 23.984 tỷ đồng. Đây là những dự án có quy mô lớn gồm 44.569 con bò (trong đó có 10.000 con bò sữa), 3.821.095 con heo, 40.000 con gà đẻ trứng giống bố mẹ, 19.200 con vịt đẻ trứng… Với đàn gia súc, gia cầm đông đúc, ngành chăn nuôi được xác định là một trong những ngành mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế của địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
|
Mô hình chăn nuôi heo của ông Cao Khắc Tư (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) mang về thu nhập gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Ngọc Minh |
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, ngành chăn nuôi tỉnh ta trong thời gian tới dự báo sẽ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng mưa lũ, nắng nóng kéo dài, theo đó là nguy cơ dịch bệnh phát sinh khó kiểm soát. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến việc triển khai các dự án chăn nuôi, làm gián đoạn thương mại, xuất khẩu và tiêu thụ… Do vậy, việc áp dụng các biện pháp nhằm đưa kỹ thuật vào chăn nuôi đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành chăn nuôi tỉnh nhà, bắt buộc phải đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ưu tiên chăn nuôi tập trung, có đầu tư
Ông Dương Ngọc Thanh cho biết: Ngành chăn nuôi của tỉnh đang dần dịch chuyển sang chăn nuôi tập trung, có đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ; chăn nuôi theo chuỗi và chăn nuôi theo liên kết. Trong đó, chăn nuôi theo chuỗi có ưu điểm là chủ động từ con giống, thức ăn, công nghệ gắn với thị trường tiêu dùng… tất cả đều được khép kín. Còn chăn nuôi liên kết thì người dân có đất, có chuồng trại, bỏ công chăm sóc. Doanh nghiệp thì đầu tư giống, thức ăn, kỹ thuật cho người dân, sau đó lợi nhuận được chia theo thỏa thuận. Do vậy, chăn nuôi theo hai hướng này có ưu điểm là kiểm soát được con giống sạch bệnh, được nuôi trong khuôn viên khép kín, có kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 142 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty nuôi gia công theo hình thức chuỗi giá trị gồm: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có 102 trang trại (76 trại heo với 61,9 ngàn con, 24 trại gà với 275 ngàn con); Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam có 26 trại gà với trên 442 ngàn con; Công ty TNHH CJ Vina Agri có 9 trại heo với 15 ngàn con… Bên cạnh đó, có 9 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi liên kết nuôi dê, ong, heo…
Đến nay, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP có 4 cơ sở, đạt chuẩn GlobalGAP có 1 cơ sở. Có 13 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh đạt chứng nhận OCOP trong lĩnh vực chăn nuôi gồm: bò, heo, mật ong, yến sào. |
Cũng theo ông Thanh, với tình hình thực tế của tỉnh nên không thể ủng hộ hoàn toàn việc chăn nuôi tập trung theo chuỗi hoặc theo liên kết, mà vẫn phải ủng hộ chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ hộ gia đình. Bởi với người dân, không phải ai cũng có thể tham gia liên kết chăn nuôi với doanh nghiệp. Do vậy, nếu không tổ chức chăn nuôi tại nhà, người dân sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể. Theo đó, để đảm bảo việc chăn nuôi hộ gia đình được an toàn, ngành chăn nuôi đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động nguồn cung cấp giống đảm bảo sạch, kiểm soát đầu ra, đầu vào. Thực hiện nghiêm các biện pháp khử trùng tiêu độc, chủ động tiêm phòng đối với những bệnh đã có vắc xin.
Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng các biện pháp theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, Chi cục tham mưu giúp UBND tỉnh chủ động nguồn vắc xin cho những thành phần yếu thế, tăng cường những tháng khử trùng tiêu độc, đặc biệt là những thời điểm chuyển mùa. Hiện ngành chăn nuôi đã xuất trên 5.000 lít hóa chất phục vụ công tác khử trùng tiêu độc, quyết liệt phòng-chống dịch bệnh trên cạn.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã chỉ đạo các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra và vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, nhằm ngăn ngừa mầm bệnh lây lan ra bên ngoài, phát sinh dịch bệnh.
TRẦN BÌNH ĐỊNH