Gia Lai nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai Lê Duy Định đặt ra cho toàn ngành tại hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2023-2024.

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 769 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 420.334 học sinh/12.326 lớp. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 23.466 người.

Theo đánh giá, học kỳ I năm học 2023-2024, mặc dù triển khai nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhưng ngành Giáo dục tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ; đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao năm 2023.

Cụ thể: tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 93,25% (vượt 0,25% kế hoạch); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học bậc tiểu học đạt 99,9% (bằng 100% kế hoạch), bậc THCS đạt 96,5% (vượt 1,8%), bậc THPT đạt 58,7% (vượt 0,6%); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 63,67% (vượt 0,27%).

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề của ngành. Ảnh: M.T

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề của ngành. Ảnh: M.T

Các nhiệm vụ đầu năm học và trong học kỳ I được ngành tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà tiếp tục được nâng lên. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh bảng A có 153 thí sinh đạt giải với 9 giải nhất, 23 giải nhì, 44 giải ba và 77 giải khuyến khích; bảng B có 416 thí sinh đạt giải với 17 giải nhất, 63 giải nhì, 129 giải ba và 207 giải khuyến khích.

Đặc biệt, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT vừa qua, Gia Lai có 38 giải, trong đó có 1 giải nhất, 6 giải nhì, 17 giải ba và 14 giải khuyến khích (tăng 15 giải so với năm học trước).

Ngoài ra, ngành cũng đã tổ chức thành công Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT lần thứ II, Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XI và Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10.

Trong học kỳ qua, giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới đồng bộ về quan điểm, nội dung và phương pháp giáo dục. Giáo dục tiểu học và trung học triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Giáo dục dân tộc của tỉnh có nhiều khởi sắc, phù hợp với đối tượng học sinh và yêu cầu đổi mới.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý giáo dục và hoạt động của giáo viên được đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính, truyền thông giáo dục, thanh tra, kiểm tra… trong toàn ngành được tăng cường. Các cuộc vận động lớn, phong trào thi đua của đất nước, địa phương cũng như chuyên đề của ngành được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Ngành cũng chú trọng tuyển dụng số biên chế giáo viên được giao; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy các môn Tiếng Anh và Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định.

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của ngành thời gian qua; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp hay, hiệu quả để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong học kỳ II.

Là huyện vùng xa của tỉnh với 9 xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số, thế nhưng, tính đến cuối năm 2023, Krông Pa đã có 9/11 trường theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt 81,8%).

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chu Sỹ Lin cho hay: Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, UBND huyện bố trí các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; mở rộng khuôn viên các trường học đảm bảo diện tích theo quy định; bố trí sắp xếp các trường, điểm trường để tăng tỷ lệ học sinh/lớp, giảm áp lực về thiếu giáo viên và xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên hàng năm.

Phòng GD-ĐT đã chủ động phối hợp hiệu quả với các ngành, địa phương liên quan trong thực hiện công tác này; thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tự đánh giá, rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định và lập kế hoạch phấn đấu hoàn thành.

Học sinh Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Ia Me, huyện Chư Prông) thích thú tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Ia Me, huyện Chư Prông) thích thú tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Mộc Trà

Đứng chân trên địa bàn khó khăn, Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (xã Ia Me, huyện Chư Prông) luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhất là vấn đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Hiệu trưởng Ngô Thị Sâm cho hay: Nhà trường đã tạo dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp an toàn, thân thiện, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương để trẻ vui chơi, học tập. Đồ dùng, đồ chơi trong lớp chủ yếu do cô và trẻ cùng làm từ các vật liệu sẵn có trong thiên nhiên, đời sống hàng ngày. Mỗi sản phẩm do trẻ làm ra đều được trường trưng bày tại các góc học tập.

Riêng môi trường bên ngoài lớp học được thiết kế theo khu vực riêng, tận dụng hết không gian ngoài trời và chú trọng các hoạt động trải nghiệm nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc ở bậc tiểu học, tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã An Khê nêu thực trạng: Khi bắt đầu thực hiện đối với lớp 3, thị xã có 7/9 trường chưa có giáo viên biên chế môn Tin học; một số trường chưa có phòng Tin học, Tiếng Anh hoặc có nhưng đã hư hỏng; có 2 điểm trường tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó bố trí phòng máy vì số lượng học sinh quá ít.

“Trước tình hình đó, ngành Giáo dục thị xã An Khê đã tham mưu điều chuyển 6 giáo viên Tiếng Anh bậc THCS chuyển sang dạy tiểu học tại các trường triển khai dạy môn Tiếng Anh tự chọn; bố trí chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng 13 giáo viên Tiếng Anh, 7 giáo viên Tin học và tham mưu bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng dạy 2 môn học này.

Năm học 2023-2024, số học sinh tiểu học được học tiếng Anh chiếm 99,3%; 9/9 trường đã dạy tin học với hơn 3.200 học sinh tham gia, chiếm 47,66%”-ông Hưng cho biết.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đề nghị các đơn vị, trường học tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, rà soát và chuẩn bị đội ngũ để triển khai chương trình cho các lớp 5, 9, 12.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; tập trung công tác ôn thi để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục.

“Toàn ngành cũng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở vật chất cho 22 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và các nội dung khác thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận”-Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

Dịp này, Sở GD-ĐT công bố quyết định về việc tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho 49 tập thể, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 92 tập thể và bằng khen cho 168 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2021-2022; tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho 44 tập thể, danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 65 tập thể, bằng khen cho 167 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2022-2023.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng quyết định tặng giấy khen cho 24 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi”; 34 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Huy động và duy trì sĩ số học sinh”; 62 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”; 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai”.

Có thể bạn quan tâm

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.

Gia Lai quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại trường công lập

Gia Lai quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại trường công lập

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 92/2024/NQ-HĐND ngày 14-10-2024 của HĐND tỉnh về quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: 44 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 5

Gia Lai: 44 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 5

(GLO)- Ngày 22-10, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 481/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 cho Tiểu dự án 1-Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.