Gia Lai kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP đã tạo hiệu ứng tốt về thị trường, bước đầu giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP của Gia Lai đã kết nối thành công với một số hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị lớn.

Đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23-1-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Trong 3 năm qua, Sở Công thương đã hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia 14 sự kiện giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình… Thông qua các sự kiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, phương thức cung ứng để từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai tại một hội nghị xúc tiến thương mại. Ảnh: Sơn Ca
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai tại một hội nghị xúc tiến thương mại. Ảnh: Sơn Ca


Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình hội chợ, kết nối cung cầu, công tác quảng bá sản phẩm OCOP đến với cộng đồng qua việc hỗ trợ chủ thể tham gia giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử www.ocopgialai.vn; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên mạng xã hội Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử lớn; xây dựng các chiến dịch marketing tiếp cận khách hàng, thu hút lượng truy cập về gian hàng; xây dựng video quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh tại các sự kiện, trên pa nô điện tử ngoài trời, trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông… được thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu ứng tích cực.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, sau 3 năm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, các sản phẩm OCOP của tỉnh bước đầu đã tạo hiệu ứng tốt về thị trường. Hiện đã có nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết với các doanh nghiệp, kết nối thành công một số sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn. Tỉnh cũng đã tổ chức được 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Pleiku và các huyện: Chư Pưh, Phú Thiện. Kênh quảng bá này đã tạo không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm mới, giao lưu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chỉ đạo đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua kênh thương mại điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử, phát hành name card có mã QR để quảng bá trên trang thương mại điện tử.

Giúp chủ thể tiếp cận thị trường

Liên tiếp trong 3 năm liền, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đều có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Năm 2019, HTX có sản phẩm mật ong hoa cà phê đạt chứng nhận OCOP 4 sao; năm 2020 có sản phẩm mật ong đa hoa đạt OCOP 4 sao; năm 2021 có 2 sản phẩm là gạo A Sanh và hạt điều A Sanh đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX-cho hay: “Chứng nhận OCOP giúp sản phẩm khẳng định thương hiệu, thị trường được mở rộng ra các tỉnh, thành phố cũng như có cơ hội kết nối tiêu thụ với một số công ty thực phẩm, chuỗi thực phẩm sạch. Hàng năm, HTX đều tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và hiệu ứng mang lại rất rõ. Các lần tham gia đó đã tạo cầu nối để HTX quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và có thêm nhiều cơ hội thiết lập các kênh phân phối trong cả nước. Bên cạnh đó, HTX cũng tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Lazada, Shopee, Tiki, Voso, Postmart… Nhờ đó, doanh số bán hàng HTX trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn duy trì đà tăng trưởng”.

 Nhiều sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trong tỉnh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều sản phẩm OCOP của các chủ thể trong tỉnh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo


Bày tỏ sự phấn khởi khi liên tục được mời và hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, bà Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Mặc dù sản phẩm trà sả chanh mới đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trong năm 2021, nhưng trước đó, tôi đã được tham gia rất nhiều chương trình hội chợ OCOP, hội nghị kết nối cung cầu. Đây là cơ hội để tôi tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh việc phát triển kinh doanh trên nền tảng nguồn khách hàng truyền thống, được sự hỗ trợ, hướng dẫn cũng như qua các lần tập huấn, tôi đã có thêm kiến thức để tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn, mạng xã hội”.

Đến nay, toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 116 chủ thể. Trong đó, 25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao. Mỗi sản phẩm được chứng nhận OCOP theo bộ tiêu chí đánh giá thang điểm là căn cứ giúp người tiêu dùng tin cậy, an tâm về chất lượng. Việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp chủ thể thay đổi nhận thức về cách thức hoàn thiện sản phẩm từ nâng cao chất lượng đến hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm. Chương trình đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ nâng thứ hạng cho các sản phẩm OCOP. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến mời các đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệm về hỗ trợ làm sản phẩm 5 sao trực tiếp hướng dẫn cho chủ thể thực hiện. Hạng sao của sản phẩm OCOP là thước đo về chất lượng, sức cạnh tranh và định hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do trình độ quản trị của các HTX, cơ sở sản xuất vẫn còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, chưa có khả năng cung cấp sản phẩm với các đơn hàng lớn hoặc chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để tạo niềm tin cho người sản xuất, từ đó giúp chủ thể có ý thức đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, duy trì đúng các chỉ tiêu đã được công nhận phân hạng sản phẩm, tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm được xếp hạng và gắn sao phải đảm bảo về uy tín và chất lượng lâu dài nên cần tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm để tránh tình trạng hàng nhái dán nhãn sản phẩm được công nhận OCOP.

“Để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP đến với cộng đồng, tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể OCOP chuyển đổi số thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại để kết nối, giao thương, quảng bá, tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường trên không gian mạng. Ngoài ra, Sở tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP”-Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin.

 

 VŨ THẢO
 

 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.